Những cô dâu bé bị ép hôn trong mùa đại dịch

Bất chấp những tiến bộ đáng kể, tình trạng tảo hôn vẫn còn phổ biến ở Ấn Độ. Ở quốc gia này cứ ba cô dâu thì có một cô dâu trẻ em. Theo dữ liệu năm 2019 từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 102 trong số 223 triệu cô dâu trẻ em ở Ấn Độ đã kết hôn trước tuổi 15, theo báo The Straits Times.

Bị ép kết hôn dù muốn đi học

Ông Narayana Sukla nhận được cuộc gọi vào khoảng 1 giờ 45 chiều 18-8 khi ông chuẩn bị đi ăn trưa. Một cô gái khóc nức nở qua đường dây điện thoại.

"Xin hãy giải cứu cháu ngay lập tức nếu không họ sẽ giết cháu. Mẹ cháu ép cháu phải kết hôn nhưng cháu muốn đi học" – cô bé 12 tuổi gọi cho anh sau khi trộm được điện thoại của người chồng mới cưới 19 tuổi.

Đại dịch COVID-19 khiến nạn tảo hôn ở Ấn Độ tăng mạnh. Ảnh: AFP

Ông Sukla, một điều phối viên của tổ chức Childline India Foundation chuyên quản lý đường dây trợ giúp quốc gia do chính phủ hỗ trợ dành cho trẻ em gặp nạn, biết rằng mình không còn nhiều thời gian để cứu cô bé.

Ngay lập tức, ông gọi cho các quan chức chính phủ có liên quan và nhanh chóng rời văn phòng của mình ở TP Cuttack, thuộc bang Odisha.

Sinh ra trong một gia đình nghèo và không được học hành, cô bé bị cha mẹ ép phải kết hôn với người mà cô không hề quen biết vào ngày 12-8. Cô bé thậm chí còn bị chồng tấn công tình dục.

Sau 5 giờ chạy xe, ông Sukla tìm đến được nhà chồng của cô bé ở Dandapadi, một ngôi làng hẻo lánh thuộc bang Orissa. Cô bé được cứu vào đêm hôm đó. Gia đình chồng cô bé không hề phản kháng vì ông Sukla được cảnh sát địa phương tháp tùng. Cô bé sau đó được đưa vào một nơi trú ẩn do chính phủ hỗ trợ.

Đại dịch- nghèo đói-tảo hôn

Đó là một trong 13 vụ tảo hôn mà ông Sukla phải can thiệp kể từ ngày 20-3 năm nay, thời điểm Ấn Độ bắt đầu ra lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

“Chúng tôi phát hiện được nhiều trường hợp tảo hôn hơn kể từ khi chính phủ ra lệnh phong tỏa vì COVID-19” - ông Sukla nói với The Straits Times.

Đại dịch COVID-19 đã khiến nạn tảo hôn trên khắp Ấn Độ gia tăng, khi các gia đình gặp khó khăn, nhiều người thất nghiệp và nghèo đói. Họ phải gả con gái đi để giảm gánh nặng tài chính.

Các cô cậu bé tạo dáng với vòng hoa sau lễ đính hôn tại một ngôi làng ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Tiến sĩ S. Diwakar, nhân viên bảo vệ trẻ em của quận Mysuru ở bang Karnataka, cho biết quận của ông đã báo cáo 123 trường hợp như vậy từ giữa tháng 3 đến tháng 7, nhiều hơn gần gấp đôi so với khoảng 75 trường hợp được báo cáo vào cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 110 trường hợp tảo hôn đã bị nhà chức trách ngăn chặn.

“Trong thời gian phong tỏa, nhiều gia đình đã cố gắng gả con gái của họ vào gia đình khác, vì nghĩ rằng các văn phòng chính phủ sẽ bị đóng cửa và chỉ có các dịch vụ khẩn cấp còn hoạt động nên sẽ không ai phát hiện được điều phạm pháp mà họ đang làm. Các gia đình thường tiến hành hôn lễ từ rất sớm hoặc lúc nửa đêm tại các ngôi đền, với hy vọng sẽ không bị bắt" - Tiến sĩ Diwakar cho biết.

Một số gia đình cũng lợi dụng tình hình kinh tế đi xuống để tổ chức đám cưới với chi phí thấp.

Huyện Tiruvannamalai của bang Tamil Nadu cũng ghi nhận sự gia tăng các vụ tảo hôn. Vào tháng 6, huyện đã báo cáo 35 trường hợp như vậy. Số vụ tảo hôn này được cho là cao kỷ lục kể từ tháng 1-2017.Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, huyện Tiruvannamalai đã ghi nhận 83 trường hợp tảo hôn, so với 67 trường hợp cùng kỳ năm ngoái.

Tiến sĩ Christina T. Dorthy, cán bộ phúc lợi xã hội của quận, nói với báo The Straits Times rằng tất cả 83 trường hợp đã bị chính quyền ngăn chặn.

"Họ nghĩ rằng đại dịch COVID-19 là cơ hội  để họ che giấu những cuộc hôn nhân này. Đó là một điều khó hiểu” -  bà Dorthy nói.

Bà Dorthy lý giải rằng các nhà chức trách đã can thiệp một số trường hợp tảo hôn dù các gia đình đã cố tình không dựng rạp cũng như không mời khách khứa, họ hàng…

Dữ liệu từ Tổ chức Childline India cho thấy các đại diện của tổ chức này đã phải can thiệp và ngăn chặn 14.775 trường hợp tảo hôn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay.

Xu hướng gia tăng nạn tảo hôn càng trở nên trầm trọng hơn do các trường học đóng cửa kể từ tháng 3. Nhiều gia đình nghèo phải nhờ vào những bữa cơm của trường học để con cái họ được ăn các bữa ăn hàng ngày. Nhưng khi trường học đóng cửa, họ không biết kiếm đâu ra đồ ăn cho chúng và buộc phải đưa con gái đi lấy chồng, con trai đi làm để có cái ăn.

“Mỗi trẻ em gái chưa đến trường đều là những cô dâu trẻ tiềm năng. Tình trạng nghèo đói và thất nghiệp gia tăng đã khiến những trẻ em gái này trở nên dễ bị tổn thương hơn” - bà Ananya Chakraborti, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em Tây Bengal (WBCPCR), cho biết.

WBCPCR đã đưa ra đường dây trợ giúp dành riêng cho nạn tảo hôn vào tháng 6 khi mối quan tâm của các cô gái trẻ mắc kẹt trong nhà của họ ngày càng tăng cao trong bối cảnh đại dịch và đặc biệt là sau cơn bão Amphan gây thiệt hại trên diện rộng.

Đường dây trợ giúp đã nhận được báo cáo về 41 cuộc hôn nhân trẻ em tính đến ngày 19- 8, trong đó gần 90% vụ việc đã bị chính quyền ngăn chặn.

Ở bang Maharashtra, nạn tảo hôn xảy ra nhiều do nhu cầu lao động cao trong bối cảnh vụ thu hoạch mía bội thu.

“Nhiều nhà thầu đang đưa ra mức giá tốt hơn cho một cặp công nhân. Tỷ giá có thể thay đổi từ 150.000 đến 300.000 rupee (47 đến 95 triệu đồng ) cho khoảng thời gian làm việc tám tháng trong lĩnh vực này” - Ông Santosh Shinde, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em và là cựu thành viên của Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em của bang Maharashtra cho biết.

Nhiều gia đình nghèo đang sử dụng cơ hội này để gửi con gái và con trai họ vào gia đình khác để chúng có thể có cái ăn và thu nhập.

Ông Shinde nói thêm rằng hơn 200 trường hợp cố gắng tảo hôn đã được báo cáo từ tháng 3 đến tháng 6 ở bang Maharashtra. Tuy nhiên, gần 95% các vụ tảo hôn này đã bị ngăn cản với sự giúp đỡ của chính quyền.

Chưa có biện pháp răn đe đủ mạnh

Hiện chính phủ đang xem xét nâng độ tuổi tối thiểu để phụ nữ kết hôn hợp pháp lên bằng với nam giới, là 21 tuổi.

Trong khi hoan nghênh đây là một động thái sẽ mang lại bình đẳng giới, Tiến sĩ Kriti Bharti, người được ủy thác quản lý công ty Saarthi Trust, chuyên hoạt động để ngăn chặn cũng như hủy bỏ hôn nhân trẻ em, cho biết biện pháp tăng độ tuổi kết hôn sẽ không làm giảm các trường hợp tảo hôn.

"Mọi người không thể đợi cho đến khi con gái của họ 18 tuổi để họ kết hôn. Tại sao họ phải đợi đến 21?" – bà Kriti Bharti nói.

Các nhà hoạt động xã hội nói rằng việc giảm thiểu nạn tảo hôn đòi hỏi cơ quan thực thi pháp luật xử lý mạnh hơn các vụ tảo hôn và nâng cao nhận thức cộng đồng, bao gồm cả tác hại của nó đối với trẻ em.

Cha mẹ đang lợi dụng COVID-19 để ép con gái kết hôn sớm. Ảnh: PIXABAY

Kết hôn trẻ em được biết đến là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình và thậm chí là buôn bán người, bên cạnh đó còn dẫn đến hệ lụy bà mẹ và trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Đạo luật Cấm Kết hôn Trẻ em quy định hình phạt đối với người ép buộc hoặc đồng ý cho các cuộc hôn nhân trẻ em diễn ra, nhưng số lượng các trường hợp được đệ trình và tỷ lệ kết án vẫn thấp.

Theo dữ liệu tội phạm mới nhất hiện có trên toàn quốc từ năm 2018, chỉ có 501 vụ việc được cảnh sát ghi nhận là đã vi phạm Đạo luật này. Trong số này, có 368 trường hợp được đưa ra xét xử và chỉ có hai trường hợp bị kết án.

Các nhà chức trách cũng xử lý cho qua theo kiểu chỉ nhắc nhỡ những người tổ chức các vụ tảo hôn trong những trường hợp cảnh sát kịp can thiệp trước khi hôn nhân diễn ra. Các gia đình chỉ cần cam kết bằng văn bản rằng họ sẽ không cố gắng xúc tiến các vụ tảo hôn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm