Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) định nghĩa tảo hôn là những trường hợp kết hôn với cô dâu và chú rể, hoặc một trong hai người, đều dưới 18 tuổi. Trên thực tế, các cuộc hôn nhân trẻ em xảy ra trên khắp Malaysia và phổ biến nhất ở bang Sarawak, báo South China Morning Post đưa tin.
Iris (16 tuổi), Mary và Sarah (cùng 14 tuổi) đã từng là những người bạn thân thiết từ nhỏ. Họ đi học cùng nhau, làm bài tập về nhà cũng nhau, chơi đùa cùng nhau trên con đường đất đá của làng Long Menapa, bang Sarawak thuộc đảo Borneo. Tuy nhiên, giờ cả ba đã không còn cơ hội bên nhau vì họ đã nghỉ học để kết hôn.
"Bây giờ, chúng tôi hiếm khi gặp nhau bởi vì chúng tôi sống ở những khu nhà khác nhau. Khi chúng tôi học cùng trường, chúng tôi nói chuyện suốt. Chúng tôi rất nhớ quãng thời gian khi còn độc thân" - Mary cười toe toét kể lại chuyện ngày xưa, trong khi Iris và Sarah thì cười tủm tỉm.
Mary kết hôn vào năm cô 12 tuổi và có con sau đó một năm. Hiện con trai cô là bé Michael đã được bốn tháng tuổi.
Mary bế cậu con trai Michael. Ảnh: Sherlyn Seah/SCMP
Tổng điều tra dân số và nhà ở Malaysia năm 2010 (dữ liệu mới nhất trên toàn quốc) cho thấy hơn 150.000 thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi đã kết hôn. Thống kê năm 2000 cho thấy con số này chỉ khoảng 65.000. Đợt điều tra dân số tiếp theo dự kiến sẽ được tiến hành trong năm nay.
Một tổ chức phi chính phủ đi đầu trong cuộc chiến chống lại nạn tảo hôn ở Malaysia là Hội Phụ nữ vì Phụ nữ Sarawak (SWWS). Bà Margaret Bedus (65 tuổi), chủ tịch của SWWS nói rằng bà cảm thấy buồn khi trẻ em bị tước mất tuổi thơ, bị cướp đi cơ hội học hành, phải sinh con và được kỳ vọng sẽ thực hiện vai trò của một người trưởng thành khi vẫn còn là trẻ con.
Hôn nhân trẻ em vẫn hợp pháp ở Malaysia
Từ năm 2011 đến năm 2016, bang Sarawak ghi nhận 1.284 trường hợp kết hôn trẻ, theo tài liệu của Bộ Tư pháp Sharia. Những số liệu này cho thấy Sarawak có số lượng kết hôn trẻ em cao nhất trong cả nước. Mặc dù vậy, kết hôn trẻ em vẫn là hợp pháp do bang này vẫn chưa tuân thủ chỉ thị liên bang năm 2018 về việc tăng tuổi kết hôn lên 18 tuổi.
Đặc biệt, từ khi bà Siti Zailah Mohd Yusoff lên làm làm thứ trưởng Bộ phụ nữ, gia đình và Phát triển, vấn đề này có vẻ càng khó được giải quyết. Trong một cuộc tranh luận vào năm 2017, bà Yusoff, khi ấy là nghị sĩ của Đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) đã nói rằng hôn nhân trẻ em là điều không cần phải tranh cãi do đó là sự chỉ dạy của thánh Allah. Đảng của bà hiện đang nắm ba bang là Kedah, Kelantan và Terengganu. Hiện cả ba bang này vẫn chưa thực hiện chỉ thị liên bang năm 2018 như Sarawak.
Một số cặp vợ chồng trẻ khác ở làng Long Menapa, bang Sarawak. Ảnh: Sherlyn Seah/SCMP
Một lý do khác khiến tỉ lệ kết hôn trẻ em ở bang Sarawak cao là do các cộng đồng bản địa có thể kết hôn theo quy định riêng của họ. Hiện khu vực đảo Borneo có ba hệ thống pháp lý hôn nhân là dân sự, sharia và bản địa. Vậy nên, khi luật dân sự Malaysia quy định độ tuổi kết hôn là từ 18 trở lên thì tại một số khu vực ở Borneo, trẻ em từ 16 đến 18 tuổi vẫn được phép kết hôn theo luật bản địa.
Ngoài ra, những người theo đạo Hồi phải chịu sự chi phối của luật sharia, khi luật này không hề quy định độ tuổi tối thiểu để kết hôn. Tòa án sharia thường phê chuẩn một cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi vị thành niên nếu đứa trẻ có thể chăm sóc gia đình, ghi nhớ các giáo lý Hồi giáo và có sự hỗ trợ của gia đình sau khi kết hôn, theo báo cáo năm 2018 từ Unicef Malaysia.
Báo cáo kể trên cũng cho thấy từ năm 2012 đến 2016 có 2.143 đơn đăng ký kết hôn trẻ em. Tuy nhiên, chỉ có 10 đơn trong số đó bị từ chối.