Chuyện tù nhân thoát khỏi nhà tù mà còn quay lại có thể nói rất khó xảy ra. Nhưng điều này đã xảy ra với 80 tù nhân ở nhà tù huyện Donggala, tỉnh Trung Sulawesi (Indonesia), theo NPR.
Một ngày sau khi xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần ở Trung Sulawesi, cả trăm tù nhân nhà tù huyện Donggala - gần tâm chấn nhất, cách chỉ 28 km - đã đốt nhà tù tìm cách thoát ra.
Nhớ lại thời điểm các tù nhân trốn thoát, Giám đốc nhà tù - ông Safiuddin cho biết ngay sau khi thảm họa xảy ra, bên trong nhà tù rất rối loạn. Ông cố trấn an kêu gọi tù nhân bình tĩnh nhưng không thể kiểm soát được. Thế rồi một nhóm tù nhân phóng hỏa một khu giam giữ, tiếp đó phóng hỏa sân đá bóng, rồi lại quay lại nhà tù phóng hỏa thêm một khu giam giữ khác.
Nhà tù huyện Donggala bị tù nhân đốt, một ngày sau khi xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần chiều 28-9. Ảnh: NPR
“Một số mang mặt nạ và la hét đòi tấn công các giám thị nhà tù” - ông Safiuddin kể. Trước tình hình đó, ông đã quyết định mở cửa cho tù nhân thoát ra ngoài, thay vì chịu rủi ro “sẽ có thương vong”. Theo ông Safiuddin, đây là một quyết định khó khăn bởi ông phải cân nhắc giữa giữ tù nhân và đảm bảo tính mạng các giám thị nhà tù.
Hai khu nhà giam và một sân bóng ở nhà tù huyện Donggala, tỉnh Trung Sulawesi bị đốt trước khi lãnh đạo nhà tù quyết định thả tù nhân. Ảnh: NPR
Theo lời ông Safiuddin, phần lớn các tù nhân trốn ra là vì lo lắng cho người thân mình trong thảm họa và cũng vì bị ảnh hưởng trước tin đồn các nhà tù khác thả tù nhân ra để họ về tìm người thân. Khoảng 100 tù nhân trốn đi trong ngày 29-9.
Hôm sau, 30-9, ông Safiuddin tập trung khoảng 260 tù nhân quyết định ở lại, cả ông và các tù nhân đều khóc. “Tôi khóc, các tù nhân khóc” - ông Safiuddin nhớ lại.
Các khu nhà giam bị phóng hỏa và cướp bóc khiến nhà tù không còn chức năng giam giữ. Ông Safiuddin nhớ đã nói với các tù nhân rằng: “Tất cả chúng ta đang gặp rắc rối”.
Sau đó ông Safiuddin cho phép các tù nhân tự do rời đi, tìm người thân, với điều kiện họ phải thường xuyên trở lại và báo cáo tình trạng của mình, trong thời gian chờ được đưa đến nhà tù mới.
Thế là các tù nhân rời nhà tù. Khoảng 1/4 số đó tương đương 80 người quay lại tập trung tại bãi cỏ trước nhà tù báo cáo, điểm danh mỗi ngày.
Các buổi sáng tập trung trước nhà tù đều diễn ra thoải mái, các giám thị nhà tù chia nhau điếu thuốc với các tù nhân. Cách đây vài ngày, ông Safiuddin hỏi các tù nhân đã sẵn sàng chuyển sang nhà tù mới chưa và nhận được câu trả lời: “Sẵn sàng!”.
Ông Safiuddin - Giám đốc nhà tù huyện Donggala, tỉnh Trung Sulawesi nói chuyện với các tù nhân quay lại nhà tù sau khi trốn thoát. Ảnh: NPR
Kể với NPR, ông Safiuddin cho biết chủ trương của ông là “khuyến khích các tù nhân tự nguyện trở lại, thụ án để rồi được sống cuộc đời không còn phải lo lắng, trốn tránh”. Dù cho phép các tù nhân rời nhà tù nhưng thông điệp của ông Safiuddin rất rõ ràng: “Đừng nghĩ chạy thì các bạn sẽ trốn được”.
Nhà tù huyện Donggala không có tù nhân phạm phạm trọng tội, không có tội nhân giết người hay cưỡng hiếp nào, phần lớn là tội tham nhũng nhẹ.
Ông Mohammad Taris, 49 tuổi, vào tù vì phạm tội tham nhũng. Ông Taris cho biết đã yên tâm khi biết các con ông vẫn an toàn trong thảm họa và ông sẽ vẫn quay lại điểm danh với nhà tù mỗi ngày cho đến hết thời hạn bảy tháng tù còn lại.
“Tôi muốn tuân thủ luật pháp. Bằng lương tâm, chứ không phải áp lực từ bất cứ ai, tôi sẽ tới đây báo cáo” - ông Taris nói.
Tù nhân Mohammad Taris, 49 tuổi, phạm tội tham nhũng. Ảnh: NPR
Tù nhân Arifudin, 49 tuổi, cũng nói ông nghiêm túc quay lại điểm danh vì “thụ hết án vẫn tốt hơn”. Ông còn một tháng tù vì tội tảo hôn.
Nữ tù nhân Lili Setioningsih đi tù vì tội trộm đồ từ trường học mình vừa dạy vừa làm thủ quỹ. Người mẹ 37 tuổi này cho biết nhà mình đã sập trong thảm họa nhưng may mắn các con an toàn ở nhà ông bà ngoại.
Nữ tù nhân Lili Setioningsih nói chuyện với ông Safiuddin, xác định vẫn quay lại nhà tù điểm danh mỗi ngày sau khi biết các con an toàn trong thảm họa. Ảnh: NPR
Nguyện vọng của nữ tù nhân này là sẽ được chuyển tới một nhà tù gần nhà cha mẹ, nơi các con cô đang được cưu mang, để thụ hết thời hạn tù còn lại. Và nguyện vọng này đã được ông Safiuddin hứa.
Hôm nay, 11-10, gần hai tuần sau động đất, nhà chức trách Indonesia chấm dứt công cuộc tìm kiếm chính thức các nạn nhân. Con số thương vong theo Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa Quốc gia Indonesia ngày 10-10 là 2.045 người, chủ yếu ở Palu, vẫn còn 5.000 người mất tích và được cho là đã chết.