Mỹ muốn kiềm Trung Quốc ở Đông Nam Á: Không dễ!

Tờ South China Morning Post ngày 4-2 dẫn bài phân tích của ông Richard Heydarian - một học giả chuyên về khoa học chính trị tại Manila, về những khó khăn mà tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ phải đối mặt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Haydarian, Ngoại trưởng Blinken sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản lớn. Cụ thể, đó là các đồng minh cứng rắn, các đối tác chiến lược đang "dao động" của Mỹ và một Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế khi liên tục đưa ra những lời mời gọi hợp tác kinh tế đối với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP

Cũng theo chuyên gia này, chính quyền ông Biden dù sử dụng chiến thuật nào để hạn chế tham vọng của Trung Quốc thì ở Đông Nam Á, các quan chức Mỹ sẽ phải đối mặt với ba thách thức chính.

Thứ nhất, tương lai của liên minh Philippines - Mỹ là không chắc chắn. Đặc biệt là sau quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào tháng 2-2020 về việc chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Mỹ do những khác biệt về vấn đề nhân quyền, mặc dù sau đó ông đã đồng ý hoãn quyết định này.

Tuy nhiên, ông Blinken sẽ chỉ còn chưa đầy bôn tháng để ngăn chặn việc hủy bỏ vĩnh viễn thỏa thuận quốc phòng - vốn tạo điều kiện cho quân đội Mỹ tham gia tập trận chung và tham chiến ở quy mô lớn ở Philippines.

Do đó, chính quyền ông Biden có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ ổn định với chính phủ Philippines, trừ phi một tổng thống thân thiện hơn với Mỹ lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2022.

Thứ hai, chính quyền Biden cũng sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi từ các đối tác trong khu vực - những nước vốn không chắc chắn về tương lai của chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Biden không chỉ phải đối mặt với những thách thức to lớn ở quê nhà, bao gồm các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19, mà còn những câu hỏi về việc liệu ông có tái tranh cử vào năm 2024 hay không.

Trên thực tế, có những lo ngại kéo dài về sự trở lại của chủ nghĩa dân túy Trump trong tương lai, nếu không phải sự trở lại nắm quyền của chính cựu tổng thống Donald Trump. Do đó, các quốc gia Đông Nam Á quan trọng như Indonesia, Singapore và Malaysia có thể tăng lợi ích của họ bằng cách duy trì mối quan hệ hữu nghị với cả hai siêu cường, thay vì đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc.

Cuối cùng, triển vọng về ngoại giao kinh tế khu vực của ông Biden cũng không rõ ràng. Điều này rất quan trọng bởi vì ở những nơi như Đông Nam Á, Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua các hình thức hữu hình như đầu tư và thương mại.

Chính quyền ông Biden có khả năng sẽ thu hẹp quy mô cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc và xây dựng một liên minh công nghệ với các cường quốc cùng chí hướng ở châu Á và châu Âu. Trước đó, sau khi ký kết thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, ông Biden đã thể hiện cam kết của mình đối với thương mại quốc tế để Trung Quốc không phải là "tay chơi duy nhất".

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thời cựu tổng thống Barack Obama hoặc thúc đẩy một phiên bản mới của thỏa thuận sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt trong nước.

Như chính ông Blinken đã thừa nhận ngay sau khi xác nhận bổ nhiệm chức ngoại trưởng: "Rất nhiều điều đã thay đổi. Thế giới đã thay đổi. Điều này đặc biệt đúng ở Đông Nam Á". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm