Trung Quốc mưu đồ dọa nước nhỏ, xua đuổi nước lớn

Trong bối cảnh dự luật hải cảnh Trung Quốc (TQ) đang khiến dư luận quốc tế quan tâm và lo ngại, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh), chuyên gia chính trị học và quan hệ quốc tế, ĐH George Mason (Mỹ), nhận định: Đây là bước đi nhỏ trong tiến trình lớn vốn đã được Bắc Kinh hoạch định sẵn để từng bước trở thành độc tôn ở Biển Đông.

Trung Quốc "chỉ nói lấy được"

. Phóng viên: Thưa giáo sư, ông có nhận xét gì về việc triển khai các chính sách của TQ ở Biển Đông trong thời gian gần đây, nhất là sau khi TQ ra mắt dự luật hải cảnh? 

+ Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Mục đích lớn nhất của TQ là trở thành một cường quốc độc tôn ở Biển Đông. Để thực hiện mục tiêu ấy, TQ tiến hành một chính sách thống nhất và mang tính dài hạn, trải qua nhiều giai đoạn và áp dụng nhiều chiến thuật, huy động toàn bộ hệ thống từ chính quyền đến tư nhân. Họ thực hiện chính sách bành trướng trên biển một cách uyển chuyển, tuần tự, có tầng có lớp và mang tính cơ hội (tức là “chớp thời cơ”).

Gần đây, nhất là sau khi TQ đã bồi lấp, xây dựng và sau đó quân sự hóa một số thực thể (bao gồm đá và đảo chìm) trên Biển Đông, Bắc Kinh đã chiếm được ưu thế so với các nước khác trong khu vực, thậm chí là ngoài khu vực như Mỹ.

Điều này xuất phát từ một số điều kiện có lợi cho TQ, bao gồm: (i) Những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật quân sự đã cho họ gia tăng năng lực trên biển; (ii) sự lúng túng trong chính sách của Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump làm suy yếu lòng tin của các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ tạo ra các khoảng trống quyền lực để TQ “chen chân” vào; (iii) Thái độ cứng rắn ngày càng gia tăng của Mỹ trong giai đoạn chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ tổng thống cũng thúc đẩy TQ phải tìm cách chuẩn bị, lợi dụng mọi cơ hội trước khi thời cơ trôi qua. Dự luật hải cảnh TQ cũng là một bước đi trong tiến trình nắm bắt cơ hội của TQ.

. Phía TQ cho rằng đây là “luật nội địa” của họ, các nước khác không có quyền bình luận hay chỉ trích. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

+ Tôi cho rằng TQ nói như thế là “chỉ nói lấy được”. Họ có quyền làm luật cho họ, nhưng nếu luật ấy có khả năng gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nước khác, thì việc TQ bị chỉ trích là điều không thể tránh khỏi. Trên thực tế, hải cảnh TQ đã từng đe dọa, gây hấn, phá rối một cách bất hợp pháp các quốc gia láng giềng xung quanh, tại các vùng biển thuộc vùng đặc quyền và thềm lục địa của Malaysia, Philippines và cả Việt Nam. Tôi nghĩ lấy cớ luật mới, TQ sẽ tiếp tục các hành động như vậy, và việc bị các nước phản ứng hay phản đối là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hải cảnh Trung Quốc trong một lần đến thăm Philippines. Ảnh: SCMP/AFP

Mục tiêu của Trung Quốc là khu vực

. Dự luật hải cảnh TQ muốn luật pháp hóa, trao nhiều quyền cho hải cảnh nước này, gây lo ngại về an ninh các khu vực mà TQ tuyên bố đường lưỡi bò. Theo ông, hải cảnh TQ sẽ nhắm vào mục tiêu nào trong bức tranh tổng thể trật tự khu vực hiện nay?

+ Nghiên cứu mới nhất của RAND Corporation năm 2020 nhan đề “China’s Grand Strategy: Trends, Trajectories, and Long-term Competition,” (tạm dịch: “Đại chiến lược của TQ: Xu thế, Quỹ đạo và Cuộc đua dài hạn”) cho thấy rằng: Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã để lộ rõ tham vọng của mình, đồng thời quyết liệt hơn trong việc theo đuổi sách lược lớn của họ ở phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu chính của TQ vẫn là các vấn đề nội bộ, vùng biên giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nói cách khác, một trong những mục tiêu quan trọng của TQ chính là khu vực. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, TQ ưu tiên các chính sách nhằm thiết lập những vùng ảnh hưởng và tạo ra những vùng cấm (no-go areas) mà quân lực của các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ, không thể được triển khai và hoạt động, hoặc nếu có thì cũng “dè chừng” TQ vì sợ đối diện nguy hiểm. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn các nước khu vực phải phục tùng, trong khi muốn đẩy các cường quốc bên ngoài như Mỹ ra khỏi khu vực càng xa càng tốt.

Ngoài ra, cũng cần nhận thấy rằng TQ không tìm cách xâm lược hay chiếm đóng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ các vấn đề mà TQ bày tỏ quyết tâm không từ bỏ như vấn đề Đài Loan, các thực thể ở Biển Đông và biển Hoa Đông). Mục tiêu chính của họ là tạo ra sức ảnh hưởng, xây dựng một trật tự khu vực mới dưới sự lãnh đạo và điều chỉnh của TQ. Từ đó, Bắc Kinh có thể dùng sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm để tiến ra phạm vi toàn cầu trong dài hạn sau này. Nói bức tranh tổng thể như vậy để thấy rằng, việc lập luật hải cảnh TQ hiện nay, suy cho cùng, là để phục vụ cho mục tiêu bá quyền khu vực, nhất là trên Biển Đông – vùng biển vốn đóng vai trò quan trọng với trật tự khu vực.

Tàu Địa chất hải dương 8, con tàu khảo sát từng xâm phạm Vùng đặc Quyền kinh tế Việt Nam năm 2019 với sự trợ giúp của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: SCMP/WEIBO

2 tín hiệu với các nước

. Cụ thể thì TQ sẽ dùng hải cảnh ra sao để lấn tới?

+ Tôi thấy các điều khoản nhằm trao quyền hành động cho hải cảnh TQ vốn đã được lực lượng hải cảnh nước này thực hiện trên thực địa trong thời gian qua, trước khi ra đời dự luật này. Dự luật chỉ là một bước đi nhằm luật pháp hóa các hành động của hải cảnh TQ, với việc thống nhất quy định, thủ tục và giới hạn việc sử dụng các biện pháp, trong đó có biện pháp vũ lực của hải cảnh TQ (có thể xem Điều 13, 15, 17, 19 và 46).

. Vậy luật mới sẽ đưa ra những tín hiệu cụ thể nào đến khu vực?

+ Tôi cho rằng nó đưa ra hai tín hiệu. Đối với các nước nhỏ ở khu vực, TQ muốn dọa sẽ sử dụng vũ khí để cưỡng chế việc thực thi quyền tài phán vốn có của các nước này (chiếu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển – UNCLOS năm 1982). Trong đó, đặc biệt chú ý rằng TQ dọa có thể “cưỡng chế dỡ bỏ” các công trình kiến trúc, cấu trúc hoặc hoặc các loại thiết bị được lắp đặt cố định hoặc thả nổi trong vùng biển mà TQ (đơn phương) cho rằng thuộc quyền tài phán của TQ (Điều 17).

Đối với các nước lớn, nhất là đối với Mỹ, thì TQ biện minh sử dụng vũ lực của lực lượng hải cảnh nằm trong quyền hạn của họ được luật pháp TQ quy định. Cụ thể, Bắc Kinh cho rằng nếu hải cảnh có dùng vũ lực thì đó cũng chỉ là biện pháp mang tính “giám sát, kiểm soát và cưỡng chế” (police action) hoàn toàn hợp pháp, chứ không phải hành động kích động hay khiêu chiến (act of war) có thể cho phép Mỹ trả đũa.

Tuy nhiên, các quy định trong dự luật có giá trị ở các vùng biển TQ tự cho rằng họ có “quyền tài phán”, mà tôi cho rằng chính là đường lưỡi bò. Bản chất của yêu sách này ngoài việc bị Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (Hà Lan) bác bỏ, thì nhiều quốc gia khác trong đó có Mỹ cũng đã phản đối. Cho nên, chỉ có các nước không thể chống lại TQ hoặc sợ TQ thì mới bị TQ dọa nạt bằng luật này, chứ các nước mạnh hoặc cương quyết thì không sợ dự luật này của TQ. Vấn đề lớn hơn cần quan tâm là chống lại đại chiến lược của TQ.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm