Myanmar: Mộ cô Kyal Sin 19 tuổi bị khai quật, khám nghiệm

Hôm 6-3, đài truyền hình MRTV (Myanmar) đưa tin chính quyền quân sự Myanmar đã khai quật thi thể của một cô gái 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình hôm 3-3.

Mộ của Kyal Sin, biểu tượng của phong trào biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar. Ảnh: Yahoo News

Nhân chứng và truyền thông địa phương cho biết hôm 5-3, quan chức chính quyền quân sự Myanmar đã tiến hành khai quật mộ của Kyal Sin (19 tuổi) ở TP Mandalay dưới sự hỗ trợ của cảnh sát và binh sĩ.

Khai quật thi thể của biểu tượng phong trào biểu tình phản đối chính biến Myanmar

Theo hãng tin Reuters, nhân chứng kể rằng thi thể của Kyal Sin, hay còn gọi là Angel bị đưa đi khám nghiệm hôm 5-3 và sau đó được đưa trở về vị trí cũ. Dịch vụ tin tức độc lập Mizzima cũng đăng thông tin tương tự.

Phía quân đội và cảnh sát từ chối bình luận.

Hình ảnh do một người dân đến thăm mộ của Angel hôm 6-3 cho thấy xi măng quanh mộ vẫn đang khô, găng tay cao su, ủng, áo choàng phẫu thuật bị bỏ lại, có nơi còn có vết máu.

Một nhân chứng sống gần đó cho biết ông đã nhìn thấy một nhóm ít nhất 30 người đến ngôi mộ của Kyal Sin trên bốn chiếc ô tô, hai xe tải của cảnh sát, hai xe tải của binh sĩ và khai quật ngôi mộ vào tối 5-3.

Găng tay cao su, ủng... bị bỏ lại quanh mộ của Kyal Sin. Ảnh: REUTERS

“Họ mở quan tài và đặt thi thể lên một chiếc ghế dài. Họ còn đặt một viên gạch dưới đầu” – nhân chứng kể.

 “Những người có vẻ là bác sĩ mặc đồ bảo hộ đã làm gì đó với thi thể, tôi nghĩ họ đang chạm vào phần đầu. Họ lấy một mảnh nhỏ từ thi thể và truyền tay nhau xem” – nhân chứng kể lại.

Hai nhân chứng khác cho biết họ được người dân địa phương cảnh báo không nên đến nghĩa trang chôn chất Kyal Sin vào ngày 5-3 vì cảnh sát, quân đội sẽ tới khai quật ngôi mộ.

Gia đình của Kyal Sin không bình luận về thông tin trên.

Hình ảnh chụp hôm 3-3 cho thấy một vết thương đẫm máu ở đầu Kyal Sin.

Báo Global New Light Of Myanmar hôm 5-3 cho biết các chuyên gia đã phân tích bức ảnh và kết luận vết thương không phù hợp với việc bị vũ khí chống bạo động gây ra.

 “Nếu đó là vết thương do vũ khí chống bạo động hoặc đạn thật gây ra, thì không có khả năng đầu của nạn nhân vẫn trong điều kiện tốt. Các cơ quan luật pháp đang điều tra nguyên nhân cái chết và thông tin sẽ được thông báo kịp thời” - Global New Light Of Myanmar cho biết.

Khám nghiệm thi thể phát hiện được gì?

Theo Reuters, việc khai quật thi thể Kyal Sin gây ra làn sóng phẫn nộ  từ những người phản đối chính biến. Họ cáo buộc chính quyền quân sự đang cố che đậy sự thật là cô đã bị lực lượng an ninh giết chết.

Truyền thông nhà nước cho biết cảnh sát, một thẩm phán và các bác sĩ đã khai quật thi thể và tiến hành điều tra phẫu thuật.

Người biểu tình lập đội hình lá chắn tạm bợ chuẩn bị cho khả năng đụng độ lực lượng an ninh hôm 6-3 tại TP Yangon, Myanmar. Ảnh: REUTERS

Kết quả họ phát hiện một vết thương đâm thủng phía sau đầu và một mẩu chì có kích thước 1,2 cm x 0,7 cm trong não Kyal Sin. Đội khám nghiệm nói rằng điều này khác với những đầu đạn do cảnh sát sử dụng.

MRTV cho biết cảnh sát đã mặt đối mặt với người biểu tình, còn vết thương thì ở sau đầu và viên đạn đã giết chết Kyal Sin có thể được bắn ra từ một khẩu súng có thể bắn cỡ đạn 38.

“Do đó, có thể cho rằng những người không muốn sự ổn định đã thực hiện vụ ám sát” – MRTV nói.

Trên mạng xã hội, những người phản đối chính biến mô tả vụ khai quật mộ Kyal Sin là sự xúc phạm đối với người đã khuất cũng như gia đình nạn nhân, với ý định đưa ra báo cáo sai về những gì đã xảy ra.

MRTV cho biết nhà chức trách đã yêu cầu gia đình Kyal Sin cho phép khai quật mộ cô, song không nói yêu cầu có được chấp thuận hay không. Reuters không thể liên hệ với gia đình Kyal Sin.

Những người biểu tình tại hiện trường của cuộc biểu tình ở Mandalay hôm 3-3 kể rằng họ đã bị bắn bằng đạn thật vào thời điểm Kyal Sin thiệt mạng.

Những hình ảnh do Reuters công bố cho thấy phần phía sau đầu của Kyal Sin hướng về phía lực lượng an ninh trước khi cô bị bắn chết.

Kyal Sin là một trong 38 người thiệt mạng hôm 3-3, ngày đẫm máu nhất kể từ khi lực lượng an ninh nỗ lực dập tắt biểu tình phản đối chính biến. Kyal Sin trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình với chiếc áo in dòng chữ “Mọi chuyện sẽ ổn”.

Quân đội nói rằng họ kiềm chế sử dụng vũ lực nhưng cảnh báo sẽ không cho phép các cuộc biểu tình đe dọa sự ổn định.

Quân đội Myanmar đã lật đổ và bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi sau khi ủy ban bầu cử bác cáo cuộc của họ là cuộc bầu cử tháng 11-2020 có gian lận.

Quân đội cam kết tổ chức cuộc bầu cử mới nhưng người biểu tình phản đối và yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi cũng những người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm