Hãng tin Channel News Asia dẫn lời các bác sĩ cho biết thêm ba người biểu tình tại Myanmar đã bị thương nặng trong lúc tuần hành phản đối chính biến hôm 1-2, khi lực lượng an ninh bắn đạn thật để giải tán đám đông.
Sự việc trên diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối chính biến lại bùng lên tại Myanmar hôm 2-3, sau khi tòa án cáo buộc thêm tội với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Biểu tình chính biến tại Myanmar. Ảnh: AP
Những người biểu tình, nhiều người đội mũ cứng và cầm theo những tấm khiên tạm, đã tụ tập ở nhiều khu vực khác nhau tại thành phố Yangon và hô vang các khẩu hiệu phản đối chính biến tại nước này.
"Nếu chúng tôi bị chèn ép, sẽ có bùng nổ. Nếu chúng tôi bị tấn công, chúng tôi sẽ đánh trả" - những người biểu tình hô vang trước khi cảnh sát xuất hiện và sử dụng lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông ở ít nhất bốn nơi khác nhau trong thành phố.
Theo một phóng viên, hiện chưa ghi nhận thêm trường hợp tử vong, song có một số người biểu tình ở thị trấn Kale, phía tây bắc Myanmar, đã bị thương khi cảnh sát bắn đạn thật để giải tán đám đông.
Channel News Asia dẫn lời một nhân viên cứu hộ cho biết: “Khoảng 20 người đã bị thương khi cảnh sát và binh lính ở thị trấn Kale tiến hành giải tán người biểu tình vào sáng 2-3”.
"Ba người bị trúng đạn thật và đang trong tình trạng nguy kịch" – vị bác sĩ cho biết, nói thêm rằng cảnh sát Myanmar ban đầu đã sử dụng hơi cay và đạn cao su, sau đó dùng đạn thật để giải tán đám đông.
Một bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân ở một bệnh viện địa phương đã xác nhận thông tin trên.
"Một người bị trúng đạn ở đùi và hiện anh ta đang phải phẫu thuật. Một người khác bị trúng đạn ở bụng và anh ta cần phải truyền máu. Một người khác bị bắn vào ngực" – vị bác sĩ trao đổi với hãng tin AFP.
Theo Channel News Asia, ít nhất 21 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ khi tình trạng hỗn loạn nổ ra tại Myanmar. Phía quân đội cho biết một cảnh sát đã thiệt mạng.
Các cuộc biểu tình tại Myanmar hôm 2-3 tiếp tục diễn ra trong bối cảnh ngoại trưởng 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng ngày đã lần đầu tiên tổ chức họp bàn về chính biến tại nước này.
Ngoại trưởng 10 nước ASEAN đã họp trực tuyến, đưa ra lời kêu gọi ngừng bạo lực và khởi động đối thoại về một giải pháp hoà bình ở Myanmar.
Các ngoại trưởng đã thúc giục quân đội Myanmar trả tự do cho bà Suu Kyi, dừng sử dụng vũ khí sát thương nhắm vào người biểu tình phản đối chính biến và khởi động đối thoại về một giải pháp hoà bình ở Myanmar.
Cuộc họp không ra thông cáo chung sau khi kết thúc, mà từng ngoại trưởng có thông điệp riêng.
Brunei - trên cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2021 và là chủ trì cuộc họp - đưa ra tuyên bố: "Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng”.