Theo xếp hạng của World Air Forces 2021 do tạp chí hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới Flight International công bố hôm 8-12, Nga có bốn máy bay quân sự lọt vào danh sách 10 máy bay chiến đấu nổi tiếng nhất thế giới. Bốn máy bay này là tiêm kích đa nhiệm Sukhoi Su-27/30, Mikoyan MiG-29, cường kích Su-25 và cường kích ném bom Su-24, theo hãng tin TASS.
Nga có 4/10 máy bay nổi tiếng nhất thế giới
Trong danh sách 10 máy bay chiến đấu nổi tiếng nhất thế giới của Flight International, Su-27/30 xếp vị trí thứ hai với 1.057 máy bay loại này hoạt động trong các lực lượng không quân trên thế giới, chiếm 7% phi đội máy bay chiến đấu toàn cầu. Su-27/30 chỉ xếp sau tiêm kích F-16 của Mỹ. Có 2.267 máy báy F-16 đang có trong biên chế, chiếm 15% thị phần toàn cầu.
Tiêm kích Su-25 của Nga. Ảnh: Russian Defense Ministry
Tiêm kích Mikoyan MiG-29 xếp vị trí thứ năm trong danh sách với 817 máy bay loại này hoạt động trên thế giới, chiếm 6% phi đội máy bay chiến đấu toàn cầu.
Xếp sau MiG-29 là máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của châu Âu. Máy bay Eurofighter Typhoon xếp thứ sáu trong danh sách với 514 máy bay loại này hoạt động trên thế giới, chiếm 3% phi đội máy bay chiến đấu toàn cầu.
Cường kích Su-25 xếp thứ bảy trong danh sách với 470 máy bay loại này được vận hành trên khắp thế giới, chiếm 3% phi đội máy bay chiến đấu toàn cầu.
Oanh tạc cơ Su-24 xếp cuối bảng danh sách 10 chiến cơ nổi tiếng nhất với 389 máy bay loại này hoạt động trong các lực lượng không quân trên thế giới, chiếm 3% phi đội máy bay chiến đấu toàn cầu.
Su-27/30
Su-27 (Mỹ và NATO gọi là Flanker) là máy bay chiến đấu siêu cơ động hai động cơ do tập đoàn Sukhoi phát triển thời Liên Xô. Máy báy được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các loại tiêm kích thế hệ thứ tư của Mỹ như F-14 Tomcat và F-15 Eagle. Su-27 phục vụ trong Không quân Liên Xô năm 1985.
Su-27 có tốc độ tối đa 2.500 km/giờ, tầm bay 3.530 km. Máy bay này mang theo pháo 30 mm cùng tám tấn vũ khí trên 10 giá treo hai bên cánh và dưới bụng.
Tiêm kích Su-27 của Nga. Ảnh: DW
Su-27 ra mắt tại phương Tây trong cuộc triển lãm hàng không Paris Air Show năm 1989, bốn năm sau khi đi vào phục vụ. Khán giả đã sửng sốt khi phi công Viktor Pugachev biểu diễn thế bay “rắn hổ mang” khi đang bay, chứng minh khả năng siêu cơ động của Su-27.
Su-27 là nguyên mẫu cơ bản để các nhà sản xuất dựa vào đó mà chế tạo những phiên bản sửa đổi như Su-30, Su-35 và Su-33.
MiG-29
MiG-29 lần đầu cất cánh năm 1977. 43 năm sau tiêm kích này vẫn là một trong những máy bay chiến đấu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Cựu Trung tá Không quân Mỹ Guy Razer (61 tuổi) ca ngợi những ưu việt của máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô.
Tiêm kích MiG-29. Ảnh: National Interest
Theo chuyên san quân sự National Interest, năm 2001, ông Razer được điều đến một căn cứ không quân bên ngoài Warsaw (Ba Lan), nơi Đội bay số 1 của không quân Ba Lan lái MiG-29.
Ông Razer kể lại rằng có lần trong một chuyến bay huấn luyện, ông đã ngồi trên ghế sau của MiG-29 dẫn đầu và thấy rằng so với chiếc F-15E mà ông đã quen thuộc, chiếc MiG-29 có khả năng cơ động cao khi cần nhưng có vẻ máy bay này sử dụng nhiều nhiên liệu hơn.
Ngoài ra, trong một sự kiện huấn luyện tương tự, ông Razer đã có cơ hội tự mình lái chiếc MiG-29 trong thời gian ngắn. Trải nghiệm lần này khiến ông lần nữa ấn tượng với loại tiêm kích này.
“Lần nữa, máy bay này có khả năng cơ động cao song còn chậm phát hiện các tình huống và tầm bay không lớn so với máy bay phản lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chúng tôi” – ông Razer nói.
“Xe tăng bay” Su-25
Nga bắt đầu sản xuất Su-25 vào năm 1978 và lên kế hoạch nâng cấp để Su-25 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thêm nhiều năm nữa.
Theo National Interest, Su-25 tham chiến lần đầu trong Chiến tranh Liên Xô – Afghanistan những năm 1980 và được sử dụng trong các cuộc chiến có sự can thiệp của Liên Xô hay Nga, từ Chechnya, Georgia tới Syria.
Kho vũ khí của Su-25 thông thường gồm bom không dẫn đường từ 250 kg đến 500 kg, bom chùm và rocket. Ảnh: Russian Defense Ministry
Su-25 có lớp giáp dày 10 mm tới 25 mm bảo vệ buồng lái khi phi công thực hiện tấn công tầm thấp.
Kho vũ khí của Su-25 thông thường gồm bom không dẫn đường từ 250 kg đến 500 kg, bom chùm và rocket. Chủng loại bom đạn mà Su-25 sử dụng phong phú từ tên lửa cỡ 57 mm-80 mm cho tới tên lửa 240-330 mm. Su-25 còn mang một khẩu pháo GSh-30-2 cỡ nòng 30 mm với 260 viên đạn, được lắp ở phía trước dưới mũi máy bay.
Cường kích Su-25 của Nga thường được so sánh với A-10 Thunderbolt II của Mỹ và cả hai được mệnh danh là “xe tăng bay”. So với A-10 của Mỹ, Su-25 nhỏ và nhẹ hơn, do đó có tốc độ nhanh hơn với mức tối đa 965 km/giờ.
Su-25 được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Tháng 3-2016, Su-25 thực hiện hơn 1.600 đợt xuất kích và thả hơn 6.000 quả bom xuống Syria chỉ trong sáu tháng.
Oanh tạc cơ Su-24
Su-24 là máy bay ném bom siêu âm có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết do Liên Xô phát triển trong những năm cuối thập niên 60 – đầu thập niên 70. Su-24 hai chỗ ngồi, có thiết kế cánh cụp cánh xòe, trang bị hai cộng cơ phản lực.
Oanh tạc cơ Su-24 của Nga. Ảnh: Vladimir Isachenkov/AP
Không quân Liên Xô từng sử dụng nhiều Su-24 tại Afghanistan năm 1984 và máy bay này lần nữa “thử lửa” trong cuộc xung đột ở Chechnya những năm 1990. Su-24 có tầm bay 2.775 km, có tốc độ tối đa 1.315 km/giờ và mang được tám tấn vũ khí.