Quân đội Mỹ đã tiết kiệm được rất nhiều tiền trong việc thử nghiệm vũ khí bằng cách tận dụng các bộ phận của tên lửa cũ, trang tin Defense News ngày 17-8 cho hay.
Mỹ đang áp dụng ý tưởng tận dụng lại các tên lửa đã hoàn tất quá trình thử nghiệm. Các tên lửa này sẽ được thu hồi và lắp ráp lại trở thành mục tiêu phục vụ việc thử nghiệm các tên lửa khác.
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh Phòng thủ tên lửa và không gian của Lục quân Mỹ - ông Thomas Webber cho biết việc tận dụng này giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền trong quá trình thử nghiệm vũ khí.
Thay vì mua mới hoàn toàn, việc tận dụng tên lửa cũ giúp Lục quân Mỹ giảm gần 50% chi phí cho các mục tiêu dùng trong thử nghiệm vũ khí. Ông Webber không nói rõ tổng số tiền mà Lục quân đã tiết kiệm được là bao nhiêu.
Buổi thử nghiệm hệ thống PAC-3 (sử dụng mục tiêu là tên lửa cũ được tận dụng) tại bãi thử White Sands hôm 25-6. Ảnh: SPUTNIK
Ý tưởng trên được đưa ra sau khi Mỹ dùng cạn kho mục tiêu thử nghiệm dùng cho việc sản xuất các dòng tên lửa phòng không Patriot và Chương trình Tên lửa và không gian của Lục quân.
Lúc đó, Trung tâm Kỹ thuật của ông Webber đưa ra ý tưởng hoán cải tên lửa cũ thành "mối đe dọa tên lửa đạn đạo" dùng trong thử nghiệm vũ khí và tự tin rằng đây là một giải pháp "rẻ hơn đáng kể".
Cuối năm 2016, Lục quân Mỹ đã sử dụng mục tiêu là tên lửa cũ tận dụng đầu tiên và được đánh giá là "rất thành công". Tính đến đầu tháng 8, tổng cộng bảy mục tiêu "cảm tử" loại này đã được sử dụng.
Tháng 9, một mục tiêu tên lửa cũ sẽ được sử dụng trong hoạt động thử nghiệm IBCS - một hệ thống điều khiển phòng không chiến trường thế hệ mới mà quân đội Mỹ đang nghiên cứu phát triển. Buổi thử nghiệm sẽ diễn ra tại bãi thử tên lửa White Sands (bang New Mexico).
Ngày 25-6, cũng tại White Sands, một mục tiêu là tên lửa cũ cũng được sử dụng để thử nghiệm hệ thống Patriot PAC-3 trước khi bàn giao cho một đối tác quốc phòng của Mỹ.
Theo hãng tin Sputnik, hệ thống PAC-3 này có thể đã được chuyển đến Đài Loan.