Những UAV do thám ‘một đi không trở lại’ của Mỹ giờ ở đâu?

Hồ sơ giải mật gần đây của một cơ quan tình báo Mỹ đã tiết lộ chi tiết về một trong những máy bay do thám không người lái siêu thanh đời đầu, được triển khai để thực hiện nhiệm vụ bí mật và không bao giờ trở về.

Theo trang tin The EurAsian Times, Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO) đã giải mật một số tài liệu nêu bật một chương trình của Mỹ về phát triển máy bay do thám không người lái trong những năm 1960 nhằm ngăn chặn nguy cơ đưa những máy bay do thám có người lái như U-2 qua lãnh thổ thù địch.

UAV được nói đến có tên D-21, do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin chế tạo với sự hỗ trợ của Không quân Mỹ. D-21 có khả năng bay với tốc độ Mach 3,3 (hơn 4.000 km/giờ), đạt độ cao không tưởng là 29 km và có thể bay được quãng đường 5.556 km cả đi và về.

Những UAV đời đầu 

D-21 là một trong những máy bay do thám không người lái đời đầu tiên, được đặc biệt thiết kế nhằm thu thập hình ảnh bằng chứng về các bãi thử hạt nhân của Trung Quốc.

UAV do thám đời đầu D-21. Ảnh: The EurAsian Times

Ông Patrick Widlake, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Trinh sát quốc gia thuộc NRO viết về D-21 như sau: là một UAV dài 13 m, nặng hơn 4,6 tấn, được làm bằng hợp kim titan có độ bền cao và vật liệu dẻo chịu nhiệt cao.

D-21 không phải là UAV duy nhất được chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Mỹ cũng không phải là nước duy nhất thử nghiệm phương tiện không người lái. Máy bay không người lái được phát triển trong thế kỷ 20 khác với những chiếc được sản xuất trong thế kỷ 21.

Hầu hết những UAV của thế kỷ 20 lớn hơn hoặc có kích thước trung bình, hoạt động như phương tiện được điều khiển từ xa (RCV). Trong những năm 1930, Anh đã phát triển một máy bay mục tiêu được điều khiển bằng sóng vô tuyến giá rẻ, gọi là DH 82 B hay Ong chúa (Queen Bee). “Ong chúa” có sải cánh 8 m, ban đầu được thiết kế để sử dụng làm mục tiêu trên không trong các nhiệm vụ huấn luyện.

Sau đó, tổng cộng 380 “Ong chúa” đóng vai trò là UAV mục tiêu trong Không quân Hoàng gia Anh và Hải quân Hoàng gia Anh cho tới khi chúng nghỉ hưu năm 1947.

Tương tự, Công ty Hàng không Ryan có trụ sở tại Mỹ đã phát triển một loạt UAV mục tiêu trong những năm 1950. Đây là một trong những UAV phản lực đầu tiên có thể phóng từ trên không hoặc trên bộ.

The Firebee I là UAV mục tiêu đời đầu, có nhiều biến thể tiên tiến như BQM-34A  hay MQM-34D. Sau đó, chiếc Model 166 thế hệ thứ ba được trình làng và biên chế trong Không quân và Hải quân Mỹ vào cuối những năm 1960.

Ryan đã chế tạo một trong những UAV trinh sát thành công nhất thế giới, đó là FireFly và Lightning Bug (còn gọi Model 147).

Chuyện gì đã xảy ra với D-21?

D-21 là một phần của dự án bí mật được gọi là “Dự án Tagboard”, theo mục đích của quân đội Mỹ là triển khai các UAV siêu thanh để do thám chương trình hạt nhân của Trung Quốc.

D-21 được phóng từ M-21, phiên bản của máy bay do thám SR-71 có vận tốc Mach 3 (3.675 km/giờ) của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Sau đó, do trục trặc kỹ thuật và một tai nạn chết người, máy bay ném bom B-52H đã thay thế M-21 làm phương tiện phóng.

Xác của UAV D-21 được trưng bày tại một bảo tàng ở Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

D-21 được lập trình một đường bay đã xác định trước và một radio nhằm duy trì liên lạc với máy bay phóng để giám sát hoạt động của nó.

Sau khi chụp được hình ảnh về lãnh thổ thù địch và nhà máy điện hạt nhân mà Trung Quốc đang xây dựng, D-21 có nhiệm vụ đẩy cuộn phim ra và tự hủy.

Cuộn phim được gắn với một cái dù sẽ được một máy bay vận tải chẳng hạn như JC-130 đón lấy giữa không trung hoặc Hải quân Mỹ đón lấy nếu nó rơi xuống đại dương.

Năm 1969, D-21 đã sẵn sàng cho nhiệm vụ do thám đầu tiên. Lúc đó có bốn nhiệm vụ liên tiếp đã được thực hiện nhưng tất cả đều bị tuyên bố là không thành công sau khi thất bại trong việc bàn giao an toàn “thông tin tối mật” cho quân đội Mỹ.

Trong hai nhiệm vụ đầu tiên, UAV D-21 đã rơi trước khi có thể thu thập được bất kỳ hình ảnh bằng chứng nào. Trong nhiệm vụ thứ ba, được triển khai tháng 3-1971, D-21 đã hoàn thành quá trình giám sát nhưng thất bại trong việc thả cuộn phim an toàn.

Nhiệm vụ thứ tư được triển khai sau đó trong cùng tháng 3 nhưng cuối cùng cũng thất bại khi D-21 rơi xuống tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Mặc dù có những tính năng ấn tượng song D-21 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì xảy ra nhiều vụ tai nạn dẫn tới chương trình bị hủy bỏ vào năm 1971. Sau đó, có thông tin cho rằng một trong những mẫu D-21 bị rơi đã được Nga phục hồi.

Mỹ từ bỏ chương trình trên vào giữa năm 1971 và thay thế các nhiệm vụ trinh sát bằng hoạt động thu thập thông tin tình báo dựa trên vệ tinh vốn là một công cụ gián điệp mới nổi trong thời gian đó.

Câu chuyện xảy ra với chiếc UAV D-21 đầu tiên có một bước ngoặc đặc biệt vào giữa những năm 1980 khi Ben Rich - một kỹ sư của tập đoàn Lockheed Martin vốn làm việc về D-21 - được một nhân viên CIA trao cho một tấm kim loại.

Thực tế tấm kim loại trên là của D-21 bị rơi ở vùng Siberia (Nga) và đã được một người chăn cừu tìm được. Cơ quan tình báo Nga KGB đã thu giữ chiếc UAV do thám này và sau đó trả lại cho CIA.

Trung Quốc cũng đã thu được mảnh vỡ của chiếc D-21 tự hủy thứ tư và đã cho trưng bày nó ở Bắc Kinh. Theo một số chuyên gia, những UAV do thám DR-8, còn gọi là Wuzhen 8 của Trung Quốc có một số điểm tương đồng với chiếc D-21 thời Chiến tranh Lạnh.

D-21 của Nga

Các nhà sử học hàng không Nga - ông Yefim Gordon và ông Vladimir Rigamant đã chia sẻ chi tiết về dự án của Nga trong việc phát triển UAV trinh sát chiến lược siêu thanh gọi là Voron (Quạ).

Chuyên san quân sựThe National Interestdẫn lời hai nhà sử học trên cho biết nhiều doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu của ngành công nghiệp máy bay, điện tử, quốc phòng đã được ủy quyền nghiên cứu thiết kế của D-21 cũng như những vật liệu được sử dụng trong chế tạo, công nghệ sản xuất và thiết bị của UAV này.

Cơ chế hoạt động của UAV Voron tương tự của D-21, trong đó UAV tuân theo một đường bay được lập trình sẵn bằng hệ thống dẫn đường quán tính. Khi UAV quay trở về căn cứ, ống đựng phim sẽ được đẩy ra và đáp xuống bằng dù, sau đó chiếc Voron sẽ tự hạ cánh.

Sau đó, giống như số phận của chiếc D-21 nguyên bản, Voron cũng trở thành nạn nhân của mạng lưới vệ tinh do thám.

Trung tâm Nghiên cứu Trinh sát Quốc gia thuộc NRO tưởng nhớ di sản của D-21 như một khoản đầu tư đã đem đến những bài học quý giá, cung cấp tài liệu cho những bước phát triển về sau được thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm