Trung Quốc: Cấm diễn viên quảng cáo thuốc

Ngày 15-2, năm ban ngành ở Trung Quốc cùng ban hành thông báo mới về quảng cáo dược phẩm và trị liệu trên phát thanh, truyền hình.

Bốn trường hợp cấm

Thông báo cấm diễn viên và người nổi tiếng chủ trì các tiết mục liên quan đến dược phẩm và trị liệu; cấm các nhà sản xuất truyền thanh, truyền hình mời người không có chuyên môn làm khách mời trong các chương trình liên quan đến dược phẩm và trị liệu. Bốn trường hợp quảng cáo dược phẩm và trị liệu trên truyền thanh, truyền hình sau đây bị cấm phát sóng:

- Quảng cáo có giấy phép không đạt yêu cầu hoặc giấy phép làm giả.

- Quảng cáo lấy chuyên gia và bệnh nhân để chứng minh hiệu quả trị liệu.

- Quảng cáo tuyên truyền cho hiệu quả trị liệu dưới hình thức mời bác sĩ, bệnh nhân đến trường quay hoặc giao lưu qua đường dây nóng.

- Chương trình dịch vụ thông tin y tế, sức khỏe do doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ dược phẩm hoặc cơ sở y tế tự thực hiện.

Nhà kinh doanh quảng cáo, nhà quảng cáo và nhà công bố quảng cáo vi phạm sẽ bị đình chỉ hoặc hủy bỏ giấy phép kinh doanh, tạm dừng tiêu thụ dược phẩm... Đối với đài truyền thanh, đài truyền hình vi phạm, người phụ trách trực tiếp và người phụ trách chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm và công khai danh tính.

Thông báo trên ra đời trong bối cảnh loạn quảng cáo về dược phẩm và trị liệu. Hồi đầu tháng 2, khán giả đã nhận mặt 12 nhân vật đóng giả chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ để quảng cáo trên Đài truyền hình tỉnh Sơn Đông. Một người mặc cùng trang phục, thắt cùng cà vạt nhưng đổi vai liên tục, khi mắc bệnh này, lúc mắc bệnh nọ và giới thiệu sau khi dùng thuốc XYZ bệnh tình khỏi hẳn.

Người đóng nhiều vai

Thường chỉ có công ty quảng cáo nhỏ mới nhận làm kiểu quảng cáo như trên và hầu hết là quảng cáo thuốc Đông y. Nhiều công ty quảng cáo có hẳn đội ngũ chuyên gia giả dạng.

Diễn viên giả dạng chuyên gia thường là diễn viên chuyên nghiệp nhưng không nổi tiếng, nhập vai nhanh, hiểu biết một số kiến thức y khoa. Diễn viên truyền hình Lý Triệu Dân từng một mình đóng giả vừa chuyên gia xương cốt Vương Chí Luân vừa chuyên gia giới tính Quách Minh Ngư, thạc sĩ y tế Trương Trung Hòa...

Tiêu chuẩn và biện pháp thẩm tra quảng cáo dược phẩm của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 5-2007 quy định nhà sản xuất và nhà kinh doanh chỉ được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chuyên ngành y tế và dược học. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị dừng tiêu thụ dược phẩm, truy cứu trách nhiệm, rút giấy phép kinh doanh.

Sáu tháng sau, Trung Quốc tiếp tục ban hành thông báo nghiêm cấm và hủy bỏ quảng cáo dược phẩm mượn danh nghĩa chuyên gia, nhân vật công chúng để chứng minh hiệu quả trị liệu.

Tuy nhiên, các công ty quảng cáo và diễn viên giả chuyên gia vẫn biện hộ “đó chỉ là biểu diễn”. Chủ nhiệm Trung tâm Dịch vụ pháp luật (Hiệp hội Quảng cáo Trung Quốc) Lý Phương Ngọ cho rằng quảng cáo và phim ảnh không giống nhau. Diễn viên đóng vai chuyên gia trong quảng cáo sẽ gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.

Luật về quảng cáo của Trung Quốc đã xác định rõ: Nội dung quảng cáo phải đúng sự thật. Nếu chuyên gia trong quảng cáo là giả dạng thì quảng cáo ấy là quảng cáo giả. Cho dù chuyên gia trong quảng cáo là người thật thì Tiêu chuẩn và biện pháp thẩm tra quảng cáo dược phẩm cũng cấm sử dụng hình tượng trong quảng cáo.

Chuyên gia giả dạng chủ yếu quảng cáo dưới ba hình thức: Clip (đoạn phim) quảng cáo; diễn thuyết trên truyền hình và xuất hiện trên kênh mua sắm. Giá quảng cáo từ 20.000-100.000 nhân dân tệ (từ 50-250 triệu đồng VN). Sau khi thanh toán chi phí sản xuất, công ty quảng cáo còn lời 70%.

Chỉ trong hai tháng 9 và 10-2008 đã có 3.686 vụ vi phạm quảng cáo dược phẩm bị xử phạt 11 triệu nhân dân tệ (27,5 tỷ đồng VN). Trong số đó có 821 vụ sử dụng bệnh nhân, nhân vật công chúng, lấy danh nghĩa chuyên gia để chứng minh hiệu quả trị liệu. 956 nhà kinh doanh, nhà sản xuất và nhà công bố quảng cáo đã bị đình chỉ hoạt động.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm