Trung Quốc: Năm phòng tuyến an toàn thực phẩm

Ngày 1-6 tới, Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội Trung Quốc thông qua cuối tháng 2 sẽ có hiệu lực, thay thế cho Luật Vệ sinh thực phẩm hiện hành. Luật mới gồm năm phòng tuyến bảo đảm an toàn thực phẩm như sau:

1. Thống nhất quản lý

Trước nay, nhiều ban ngành (nông nghiệp, công thương, giám sát chất lượng, y tế...) cùng tham gia quản lý và giám sát khâu lưu thông thực phẩm. Trong cơ chế phân đoạn quản lý này, trách nhiệm không rõ ràng, việc nào có lợi thì các ngành tranh nhau quản lý, việc nào bất lợi thì đùn đẩy nhau.

Từ tình trạng quản lý chồng chéo này đã nảy sinh điểm mù quản lý mà vụ sữa bột Tam Lộc nhiễm melamine là ví dụ điển hình. Luật An toàn thực phẩm sẽ phân định trách nhiệm cụ thể để người tiêu dùng biết phải phản ánh với cơ quan nào.

Ngành y tế sẽ phối hợp tổng hợp về an toàn thực phẩm, đánh giá nguy cơ, chế định tiêu chuẩn, công bố thông tin về an toàn thực phẩm và tổ chức điều tra các vụ án lớn về an toàn thực phẩm. Các ngành quản lý chất lượng, công thương, dược phẩm-thực phẩm sẽ quản lý về sản xuất, lưu thông thực phẩm và dịch vụ ăn uống.

Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban An toàn thực phẩm làm nhiệm vụ điều phối và chỉ đạo công tác quản lý và giám sát an toàn thực phẩm.

2. Đánh giá nguy cơ

Trong các vụ bê bối về thực phẩm mấy năm gần đây như tương ớt nhiễm sudan, sữa bột nhiễm melamine, người phát hiện đầu tiên là người tiêu dùng và báo chí chứ không phải các ban ngành quản lý, giám sát thực phẩm.

Do đó, Luật An toàn thực phẩm xác định rõ: Chính phủ phụ trách xây dựng cơ chế giám sát, đo lường nguy cơ an toàn thực phẩm. Một ủy ban chuyên gia đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm sẽ được thành lập gồm các chuyên gia nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, thực phẩm, dinh dưỡng...

3. Thống nhất một tiêu chuẩn

Điểm yếu trong cơ chế thời gian qua là tiêu chuẩn đánh giá quá lỗi thời. Luật Vệ sinh thực phẩm được ban hành từ năm 1995, trong đó có 291 điều khoản quy định về chỉ tiêu thuốc nông nghiệp tồn dư trong thực phẩm. Trong khi đó, bộ luật thực phẩm quốc tế có tới 2.439 điều khoản về tiêu chuẩn này.

Mặt khác, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm lại quá nhiều và quá loạn như tiêu chuẩn vệ sinh, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn này đôi lúc chồng chéo nhau. Luật An toàn thực phẩm đã yêu cầu thống nhất các tiêu chuẩn thành một tiêu chuẩn chung gọi là Tiêu chuẩn An toàn thực phẩm quốc gia.

4. Xác định chất phụ gia

Lâu nay, thức ăn cho heo vẫn được pha thêm chất clenobuterol hydrochloride, đùi heo nướng ngâm chất DDVP (dimethyl-dichloro-vinyl-phosphate), sữa bò thêm chất melamine... Chủ sản xuất cho thêm các chất cấm nhằm giảm giá thành, tăng cảm giác ngon miệng.

Nay Luật An toàn thực phẩm quy định rõ: Các chất hóa học cho thêm vào thực phẩm phải là chất được phép sử dụng, đã chứng minh độ an toàn và là chất về kỹ thuật bắt buộc phải cho thêm vào. Do vậy, sử dụng chất ngoài danh mục chất phụ gia cho phép bất kể có gây hại cho sức khỏe hay không đều là hành vi phạm pháp.

5. Truy cứu trách nhiệm đến cùng

Luật An toàn thực phẩm đặc biệt nhấn mạnh: Người sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Để thực hiện điều này, luật đưa ra hàng loạt cơ chế như lập hồ sơ tín nhiệm an toàn thực phẩm đối với người sản xuất, kinh doanh; mua bán có hóa đơn, chứng từ; cơ chế thu hồi thực phẩm không an toàn...

Đối với hành vi vi phạm, luật nâng mức xử phạt tối đa gấp 10 lần giá trị hàng hóa thay vì gấp năm lần như luật hiện hành. Luật còn quy định rõ: Cá nhân, đoàn thể xã hội và các tổ chức khác giới thiệu thực phẩm trong các quảng cáo không đúng sự thật, ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới cùng với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm