Vấn đề biển Đông: Mỹ muốn giúp giải tỏa căng thẳng

Một ngày trước hội nghị tham vấn Mỹ-Trung về các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii (Mỹ) giữa Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell (đặc trách châu Á-Thái Bình Dương) và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải, ngày 24-6 theo giờ địa phương, Trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell đã trả lời báo giới.

Ông cho biết Mỹ sẽ tìm cách giúp giải tỏa căng thẳng ở biển Đông vốn là vùng biển giữ vị trí trọng yếu về chiến lược lẫn giàu tài nguyên.

Ông nêu trong nội dung trao đổi tại hội nghị tham vấn Mỹ-Trung, ngoài vấn đề biển Đông, phái đoàn Mỹ cũng sẽ có một số câu hỏi cụ thể về hướng phát triển của quân đội Trung Quốc cũng như chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên và Myanmar.

Ông nói sau phiên họp Mỹ-Nhật (đối thoại 2+2) ngày 21-6, Mỹ và Nhật cùng nhận thấy các chính sách ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ được định hình rõ ràng hơn khi có thêm Ấn Độ tham gia đối thoại, gọi là phiên đối thoại tay ba Mỹ-Nhật-Ấn Độ.

Vấn đề biển Đông: Mỹ muốn giúp giải tỏa căng thẳng ảnh 1

Trong cuộc tham vấn sắp tới, phái đoàn Mỹ sẽ hỏi về hướng phát triển của quân đội Trung Quốc. Trong ảnh: Tàu khu trục 541 trong các tàu chiến Trung Quốc đi gần đảo Miyakojima, tỉnh Okinawa (Nhật) chiều ngày 22-6. Ảnh: 163.com

Ông đề nghị bước đầu phiên đối thoại tay ba chỉ nên tổ chức đối thoại ở cấp trợ lý ngoại trưởng để các bên có thể tìm hiểu các nhu cầu chung của nhau. Ông khẳng định Mỹ chào đón và đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong mọi mặt ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 25-6, trang web quan sát và bình luận thời sự quốc tế eurasiaview.com nhận định Mỹ tiếp tục muốn giữ vị trí cường quốc có ảnh hưởng mạnh nhất ở châu Á-Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc là cường quốc đang nổi muốn có nhiều tiếng nói hơn đối với các vấn đề trong khu vực.

Trong bối cảnh như thế, trang web trên cho rằng có thể Mỹ sẽ phải sẵn sàng chấp thuận một số yêu sách của Trung Quốc và Trung Quốc cần phải kiên nhẫn hơn nữa. Theo trang web này, vấn đề khó nhai hơn cả là Mỹ bảo lưu quan điểm tự do hàng hải ở biển Đông trong khi Trung Quốc khăng khăng bám lấy khái niệm “vùng biển lịch sử”.

Cũng trong ngày 25-6, Bộ Ngoại giao Philippines ra thông cáo cho biết Mỹ đã cam kết giúp Philippines tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải và chia sẻ nhiều hơn thông tin tình báo liên quan đến biển Đông. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã đưa ra cam kết nêu trên trong hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.

Người phát ngôn tổng thống Philippines tuyên bố việc này đơn thuần chỉ là một phần trong cam kết của hai nước về duy trì hòa bình ở Đông Nam Á.

Ngày 24-6, hòa điệu với chủ trương của chính phủ Trung Quốc yêu cầu chỉ đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp ở biển Đông, báo chí Trung Quốc đã đăng ý kiến của một số học giả Trung Quốc phản đối quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông. Họ viện lý do là hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Vài ví dụ tiêu biểu như ý kiến của ông Mã Chánh Cương, nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc và ông Khuất Tinh, chủ tịch hiện nay của viện nêu trên.

ĐỨC LONG (Theo Inquirer, Philstar, AFP, Economic Times, THX, eurasiaview.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm