Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có văn bản gửi Sở Công Thương 25 tỉnh, thành phố biên giới, và các doanh nghiệp liên quan lưu ý thực hiện nghiêm Thông tư số 09/2020/TT-BCT về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.
Thông tư số 09 được ban hành vào tháng 5-2020, có hiệu lực thì hành từ 1-1-2021.
Theo đó, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương).
Từ ngày 1-1-2021, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Ảnh minh họa: TTXVN
Quy định này được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
Liên quan đến quy định này, trao đổi với PLO, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu và hoạt động tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan là hoạt động kinh doanh bình thường trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, cho phép áp dụng cả cửa khẩu chính, và các cửa khẩu phụ, lối mở… chưa được mở chính thức với nước láng giềng.
Quy định như vậy thì thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ thẩm lậu vào thị trường nội địa, làm tăng chi phí quản lý; có thể phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng; làm giảm hiệu quả của các biện pháp mà Nhà nước đang áp dụng để khuyến khích trao đổi chính ngạch...
Trong thời gian gần đây, do các nước có chung đường biên giới quản lý chặt chẽ cửa khẩu nên hàng tạm nhập vào gặp nhiều khó khăn trong việc tái xuất. Nhiều hàng hóa không tái xuất được hoặc tái xuất chậm, quá thời hạn được lưu giữ tại Việt Nam. Điều này gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp do phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi, chi phí tiêu hủy hàng vì không tái xuất được.
Để giảm thiểu rủi ro, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy định việc ngừng cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu được tạm nhập vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua các điểm thông quan không phải là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Quy định này được áp dụng sau một thời gian chuyển đổi phù hợp cho tất cả mặt hàng và trên toàn tuyến biên giới đường bộ của Việt Nam.
“Để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các doanh nghiệp đang kinh doanh, Bộ Công Thương đã quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1-1-2021 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và có kế hoạch kinh doanh phù hợp với quy định về cửa khẩu kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu nêu trên” – ông Toản cho biết.