Quy định mới về PCCC đẩy doanh nghiệp vào cảnh đóng cửa

(PLO)- Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày qua, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, một số đại biểu (ĐB) đã đề cập đến những quy định và thực tế triển khai các thủ tục về đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Một số ĐB cho rằng các vấn đề trong áp dụng pháp luật về PCCC, đăng kiểm đang gây hệ lụy cho kinh tế - xã hội.

Nhiều doanh nghiệp có thể phải đóng cửa

Thảo luận tại hội trường sáng 1-6, ĐB Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ quan tâm đến những quy định mới về PCCC và quy chuẩn liên quan. Bởi qua nghiên cứu, các quy định mới về PCCC đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc áp dụng những quy chuẩn này làm phát sinh thêm kinh phí, vật liệu nên có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

ĐB Nguyễn Thị Như Ý nói các quy định về PCCC cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Thị Như Ý nói các quy định về PCCC cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: QH

Theo ĐB Như Ý, quy định mới về PCCC cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Cần quy định ngành nghề nào phải có quy định chặt chẽ về PCCC. Cùng đó, cần xem xét thời gian áp dụng quy chuẩn PCCC mới cho phù hợp, có lộ trình, từng bước để xã hội thích ứng. Không nên quy định áp dụng ngay khi các điều kiện chưa được sẵn sàng.

Khi điều chỉnh quy định, ĐB Như Ý khuyến nghị cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Nếu đặt ra quy định cao quá mức thì đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ.

ĐB Như Ý đề nghị cần phải có các quy định chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định đầu tư trước ngày quy chuẩn mới có hiệu lực thi hành. Những dự án này chỉ phải chịu ràng buộc theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Cũng cần phân loại ngành nghề để áp dụng quy chuẩn ngành nghề nào nguy cơ cháy cao thì phải quy định đầu tư PCCC thật tốt. Ngành nghề nào khó cháy, thậm chí là không thể tránh thì không nên bắt buộc đầu tư quá nhiều cho chi phí PCCC.

ĐB Như Ý cho rằng phần lớn kết luận nguyên nhân gây ra cháy, nổ là do chập điện. Do vậy, cần sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn an toàn thiết kế và thiết lập hệ thống điện trong dân dụng và điện công nghiệp.

Cuối cùng, ĐB Như Ý mong những vướng mắc trong PCCC tiếp tục được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Lỗi do con người, luật không thiếu

ĐB Trương Trọng Nghĩa nói các sai phạm xảy ra là do con người, không phải do thiếu luật. Ảnh: QH

ĐB Trương Trọng Nghĩa nói các sai phạm xảy ra là do con người, không phải do thiếu luật. Ảnh: QH

Tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng với câu chuyện PCCC, lâu nay ông quan sát với tư cách người làm pháp luật thì thấy rất nhiều sai phạm xảy ra không phải do thiếu luật mà do con người.

Theo ông, mỗi lần sai phạm xảy ra, chúng ta lại nghĩ có lẽ luật pháp chưa được chặt chẽ chăng, thế là chúng ta lại đặt thêm ra một số quy định. Tuy nhiên, về vấn đề PCCC thì luật có mấy chục năm rồi.

"Điều này dẫn đến tình trạng mà tôi cho rằng đây là đặc trưng, là một khiếm khuyết của thể chế hiện tại. Cứ mỗi lần có sự cố xảy ra, nhất là những chuyện dư luận lên án mạnh mẽ thì trong đầu chúng ta lập tức nghĩ phải đặt ra chế tài mạnh mẽ, nặng hơn, cao hơn” - ĐB Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nhận định tư duy này đang được áp lên tất cả các lĩnh vực, từ phá rừng, khai thác cát, chống tình trạng say rượu lái xe… "Tất cả những cái này có phải do luật không có hoặc không đủ hay không?" - ĐB Nghĩa đặt vấn đề.

Lấy ví dụ về chế tài việc uống rượu lái xe, ông đặt câu hỏi là khi có chế tài nặng thì có giảm không rồi thừa nhận “có giảm nhưng có hết không thì không hết”.

ĐB Nghĩa cho biết ông đã thấy có những người có tiền, trước thay vì phạt 3 triệu, 5 triệu thì bây giờ phạt 15, 20 triệu, thậm chí 30, 40 triệu. Họ sẵn sàng chung chi và có những CSGT tiêu cực sẵn sàng nhận khoản tiền đó để bỏ qua.

“Vậy cái gốc là con người, chúng ta phải xác định rõ như vậy thì mới khắc phục được. Còn nếu không sẽ tạo vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp và cho xã hội nhưng không khắc phục được yếu kém của chúng ta” - ĐB Nghĩa kết thúc tranh luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm