Gỡ ngay những rào cản thể chế cho doanh nghiệp

(PLO)- Doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5, thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cả QH và Chính phủ cần rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, pháp luật để doanh nghiệp (DN) phát triển, sống khỏe. Vì chỉ như thế thì tình trạng thất nghiệp, giảm việc mới được khắc phục và đất nước mới cường thịnh.

Siết chặt quá mức, DN… chết trên sân nhà

Tại thảo luận, các ý kiến cơ bản đánh giá cao những thành tích kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhìn nhận những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội cho thấy sự đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hỗ trợ không nhỏ của QH, sự nỗ lực của nhân dân và DN. “Đặc biệt đó là khả năng chèo lái, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng trong quản lý, điều hành trước muôn vàn khó khăn” - ĐB An nói.

Toàn cảnh phiên họp ngày 31-5. Ảnh: QH

Toàn cảnh phiên họp ngày 31-5. Ảnh: QH

Dù vậy, ĐB An cũng như nhiều ĐB khác cũng bày tỏ quan ngại vì quý I-2023 chỉ tăng trưởng 3,32%. Những địa phương được coi là đầu tàu kinh tế của đất nước có dấu hiệu sụt giảm tăng trưởng, thậm chí có địa phương còn tăng trưởng âm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều DN đang cố thoi thóp để tồn tại trong khi khó khăn đang bủa vây.

ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), Phó Trưởng ban Công tác ĐB, đồng thuận với báo cáo của Chính phủ và cho rằng: “Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; áp lực lạm phát tăng cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, động lực tăng trưởng suy giảm mạnh...”. Đồng thời, những khó khăn trong nước như dòng vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh, chi phí lãi vay tăng cao, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu DN... cũng là khó khăn lớn.

Cùng với đó, như ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nói: “Vòng kim cô của các quy định pháp luật càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với DN thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong PCCC, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất cho vay ở mức cao… như là những cú bồi khiến DN “knock out” ngay trên sân nhà”.

Nên giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024

Việc giảm thuế giá trị gia tăng người tiêu dùng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi vì có thể kiểm tra trên hóa đơn, trong khi ở các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa thì người mua và người bán tự thỏa thuận giá, trong đó bao gồm cả thuế. Họ cũng không biết nếu giảm thuế giá trị gia tăng thì được giảm bao nhiêu tiền. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, cũng đồng nghĩa là người tiêu dùng tiếp tục chịu thiệt thòi nên phải tăng cường truyền thông để người dân hiểu và áp dụng.

QH nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn 3%-4% để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó DN có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần vực dậy DN, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và trong cả nước.

QH cũng nên xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024. Thực tế, các cuộc khủng hoảng về địa chính trị, năng lượng, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng khiến số lượng đơn hàng giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam.

Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn đến nhiều hệ lụy cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành; giá nguyên vật liệu liên tục gia tăng ở thị trường trong nước.

Vì vậy, việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 sẽ giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài, giúp DN xây dựng các phương án kinh doanh ổn định.

ĐBQH TÔ ÁI VANG (đoàn Sóc Trăng)

Giảm chi phí tối đa cho DN

ĐB Hoàng Đức Thắng cùng nhiều ĐB đều thừa nhận việc DN tiếp cận tín dụng, kể cả gói giảm lãi suất 2% là rất khó khăn. Trước những vướng mắc này, nhất là trong tiếp cận tín dụng và các lĩnh vực khác, ĐB Thắng nói: “QH cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay”.

ĐB Thắng đề nghị Chính phủ chọn “tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển DN” là khâu đột phá trong thời gian tới. Vì theo ông, “DN phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh”.

ĐB Thắng đề xuất rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với DN. Cùng với đó, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết giảm chi phí tối đa cho DN.

ĐB Trịnh Xuân An thì đề nghị cần thay đổi văn hóa “DN phải đi xin, đi chạy”. Những gì cần làm để hệ thống DN phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành… chứ để đến khi giải quyết được thì DN “đã gần đất xa trời”. Đối với những dự án có pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào.

“Thực tế thời gian qua, việc người dân, DN phải xếp hàng mua xăng, xếp hàng cả đêm để đăng kiểm ô tô, loay hoay với các quy định về PCCC, xếp hàng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp cho thấy khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành chưa cao, chưa quyết liệt” - ĐB An nhận định.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định về PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn… “Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có hàng ngàn DN, cơ sở DN phải đóng cửa” - ĐB Hòa nói.

Bộ trưởng Y tế, Xây dựng nói về vaccine, nhà ở xã hội

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31-5, sau khi các đại biểu làm nóng nghị trường về nhiều vấn đề nóng như mua sắm vaccine, gói hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH)…, các bộ trưởng liên quan đã có báo cáo giải trình.

Vì sao vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng bị chậm?

Giải đáp trước Quốc hội liên quan đến vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước.

Giai đoạn 2016-2020, bộ được bố trí kinh phí để mua sắm tập trung vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc kháng lao, thuốc kháng HIV… (gồm chín loại vaccine được sản xuất trong nước). Các vaccine này chỉ có một nhà sản xuất thuộc Bộ Y tế nên bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng với tất cả loại vaccine được sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Đối với các vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu, hoặc thực hiện đấu thầu tập trung với các loại vaccine đủ điều kiện có ba đăng ký trở lên.

Giai đoạn 2021-2022, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương sang giao cho các địa phương, Quốc hội đã có nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương. Theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương, thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho hai năm 2021 và 2022.

“Do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai một số nội dung của chương trình ở nhiều địa phương. Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, TP tăng cường triển khai tiêm thường xuyên trong các tháng cuối năm và rà soát các đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm bù cho đối tượng trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc” - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.

Có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng vay của gói
120.000
tỉ đồng

Liên quan đến các gói hỗ trợ NƠXH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết để triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, bộ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều nội dung.

Cụ thể, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc thời gian triển khai, thời gian ưu đãi lãi suất. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện để vay ưu đãi, đồng thời ủy quyền cho UBND cấp tỉnh xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân. Cải tạo, xây dựng chung cư và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Bộ cũng có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ đã giao tại đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người có thu nhập thấp tại đô thị và công nhân tại khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

“Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng vay của gói 120.000 tỉ đồng. Thực tế, chương trình mới triển khai ở các địa phương hơn một tháng và gói 120.000 tỉ đồng là cho cả giai đoạn đến năm 2030, các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố và đang ở bước đầu” - Bộ trưởng Nghị nói và khẳng định Bộ Xây dựng đang phối hợp với NHNN cùng các bộ, ngành, địa phương khác để phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ. NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm