Quyền đối với thân xác của mình

Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Đó là quy định tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.

Quyền nhân thân quan trọng

Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng. Tuy nhiên, muốn thực hiện phải đạt những điều kiện về khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi.

Việc lấy mô, bộ phận cơ thể người phải có sự đồng ý của người hiến thông qua việc đăng ký hiến ở người sống hoặc sau khi chết, ngoại trừ trường hợp khi cấp cứu cần lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống để cấy, ghép cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì không cần đăng ký, chỉ cần có sự đồng ý của người đó.

Điều 16 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng đã quy định các điều kiện chặt chẽ đối với cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép bộ phận cơ thể là phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người hiến lẫn người được ghép.

Quyền này đến Hiến pháp 2013 mới chính thức xuất hiện - làm cơ sở, nền tảng cho sự phù hợp của mọi văn bản pháp luật khác có liên quan.


Lễ vinh danh người hiến xác cho khoa học. Ảnh: NLĐ

Cho và nhận phải theo luật

Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

Việc quy định các quyền này là bước tiến mới trong việc hiến định các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với những thiết chế, cơ chế hiệu quả.

Quyền này đã được quy định trong các điều 32, 33, 34, 35 BLDS 2005, trong đó hầu hết điều luật đều quy định các quyền này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cho đến BLDS 2015 vừa được thông qua (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017) thì quyền này nằm gọn trong Điều 35. Theo đó, cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể hoặc hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình… Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của bộ luật này, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

Như vậy, việc cho và nhận phải theo quy định của luật như Hiến pháp 2013 quy định chứ không theo pháp luật (tức gồm luật và những quy định dưới luật) nói chung nữa.

Vi phạm coi chừng bị tù chung thân

Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và được đảm bảo thông qua các biện pháp chế tài chặt chẽ.

BLDS 2005 và BLDS 2015 đều quy định nghiêm cấm việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể của người khác vì mục đích thương mại. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng ghi nhận 11 hành vi bị cấm. Điển hình như cấm lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người, lấy trộm xác, ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến, cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, mua, bán xác, cấm lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại...

Tuy nhiên, các luật này mới chỉ dừng lại ở việc mô tả những hành vi bị nghiêm cấm mà chưa có văn bản quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm này.

Về chế tài hình sự, BLHS 1999 mới chỉ có một số ít điều luật liên quan như Điều 119 về tội mua bán người (phạt tù đến 20 năm); Điều 246 về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (phạt tù đến năm năm).

BLHS 2015 (mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) lần đầu tiên quy định một tội danh mới liên quan đến quyền nói trên. Đó là Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người). Theo đó, hình phạt cao nhất của tội này có thể lên tới chung thân. Điều này cho thấy hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, đi ngược lại tinh thần của luật và Hiến pháp nên cần bị nghiêm trị.

▲▲▲

Với việc hiến định quyền này, Hiến pháp 2013 đã tạo khung pháp lý để Việt Nam phát triển ngành kỹ thuật y học ghép mô, bộ phận cơ thể người. Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo, phục vụ cho chữa bệnh, cứu sống nhiều người hơn sẽ có cơ chế và thực thi dễ dàng hơn.

Sự sống hồi sinh từ một phần cơ thể của người đã khuất

- Đầu tháng 11, cầu thủ Anh Khoa (câu lạc bộ SHB Đà Nẵng) bị chấn thương trong pha vào bóng thô bạo của cầu thủ Quế Ngọc Hải (giải V-League 2015). Anh bị đa chấn thương toàn bộ tổ chức mô, xương, sụn ở đầu gối chân trái, trong đó nặng nhất là đứt ba dây chằng chéo trong, chéo ngoài và chéo sau, dây chằng chéo trước cũng bị giãn. Anh được bác sĩ Singapore dùng dây chằng được người chết hiến tặng lưu trữ ở ngân hàng mô để ghép nối hai dây chằng đầu gối bị đứt. Hiện Anh Khoa kiên trì tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn. Anh kỳ vọng khoảng một năm sau có thể đá bóng trở lại…

- Nghệ sĩ Minh Vương mắc bệnh thận mạn tính. Đến năm 2012, nghệ sĩ nằm liệt giường, sức cùng lực kiệt, giọng hát không còn, thậm chí nói không ra tiếng. Sau đó có một gia đình đã đồng ý hiến nội tạng của một người thân bị TNGT (đã chết não) cho nghệ sĩ. “Chính quả thận quý báu của người tôi chưa hề biết mặt đã cứu sống tôi. Tôi sẽ tri ân người hiến thận cho tôi suốt đời và cầu mong ngày càng có thêm nhiều người thực hiện nghĩa cử này để người bệnh có thể được cứu sống” - nghệ sĩ Minh Vương xúc động nói trong buổi lễ vinh danh các ân nhân.

--------

Sự sống là điều thiêng liêng và cao quý. Hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể để cứu người là sự hy sinh không cần hồi đáp để sự sống lan chảy mãi. Người hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác xứng đáng được tôn vinh theo quy định của luật. 

Theo Điều 25 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác được truy tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm