Quyết liệt với chó thả rông không rọ mõm để ngăn chặn, phòng ngừa bệnh dại

(PLO)- Không thể cứ mãi để diễn ra câu chuyện "phép vua thua lệ làng" với tình trạng chó thả rông không có các biện pháp an toàn tại nơi công cộng như hiện nay. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Không quốc gia nào chết vì dại nhiều như Việt Nam, nhiều ca tử vong do chính chó nhà nuôi cắn". Phát biểu của Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một cuộc họp tổ chức tập huấn giám sát bệnh dại tại tỉnh Gia Lai ngày 22-3 vừa qua khiến dư luận hết sức quan tâm, bất ngờ và cũng vô cùng lo lắng.

Cũng theo cục trưởng Cục Thú y cho biết, tình hình bệnh dại 2 năm qua diễn biến rất phức tạp với nhiều người chết. Mới chưa đầy 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 27 người chết vì bệnh dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Đây là hệ quả của việc không nuôi nhốt, tiêm phòng bệnh dại chó mèo và không tiêm vaccine dại khi bị vật nuôi cắn.

Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức của người dân, việc này có trách nhiệm của cơ quan y tế dự phòng.

Theo Cục Thú y, số ca tử vong do bệnh dại chiếm phần lớn ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Từ năm 2013 tới nay cả nước có 887 ca tử vong vì bệnh dại. Tại Tây Nguyên, tỉ lệ tử vong do bệnh dại trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao nhất cả nước. Từ năm 2015 tới nay khu vực này có 110 ca tử vong do dại.

Trước đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh dại tăng cao với số người tử vong, ngày 14 -3, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Các địa phương xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại. Cụ thể là ở những nơi có nhiều người chết vì bệnh dại như Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên; nơi có tỷ lệ tiêm vaccine dại cho đàn chó dưới 10% như Quảng Bình, Hậu Giang, Bình Định, Quảng Nam…

Mới đây, trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp và để kiểm soát, quản lý chặt vật nuôi, là chó mèo, tại TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng đã xây dựng đề án, là những nội dung định hướng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó và trình UBND TP.HCM xin chủ trương.

Theo đó chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã và khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử trên chó, mèo để quản lý thông tin. đang được. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích của quy định này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo dự thảo nội dung chính được trình, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip (chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý) trên chó, mèo nhằm quản lý thông tin ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...).

cho tha rong.jpg
Tình trạng nuôi chó thả rông hiện nay vô cùng phổ biến. Ảnh: TM

Người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm, kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác chủ vật nuôi phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định. Chủ nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dại của chó, mèo theo quy định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con người, chó và các vật khác. Chủ vật nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đáng chú ý, chủ vật nuôi không được thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người, chó và các vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Chó phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt...

Có thể nói, chúng ta đã có tương đối đầy đủ những quy định của pháp luật cũng như các quy định, quy ước tạm thời của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về việc quản lý vật nuôi, nuôi "thú cưng". Thế nhưng trong thực tế, những quy định của pháp luật có tính bắt buộc chung hay những quy ước tạm thời của chính quyền mỗi địa phương ít nhiều đã không được thực thi, thực hiện trên thực tế. Thậm chí là không được giám sát và xử lý khi chủ sở hữu vật nuôi có vi phạm.

Thực tế, tình trạng vật nuôi là "thú cưng" đặc biệt là tình trạng nuôi thả rông chó hiện nay vô cùng phổ biến, không chỉ ở tại các làng quê nông thôn mà ngay cả tại các đô thị lớn như TP.HCM, tình trạng chó thả rông có thể nói vẫn thấy nhan nhản và tràn lan từ trên đường phố cho đến trong ngõ hẻm của các khu đông dân cư sinh sống.

Có không ít chủ sở hữu vật nuôi thả rông chó còn viện lý do việc nuôi và thả rông chó là thói quen, tập quán từ đó giờ mắc gì phải đăng ký hay khai báo hay chó hiền, từ đó giờ chưa cắn ai mắc gì phải rọ mõm, xiềng xích? Có thể nói ý thức và sự chấp hành, thượng tôn những quy định của luật pháp trong những trường hợp này thật sự chưa cao, muốn làm gì thì làm.

Đã có không ít những câu chuyện mất tình làng nghĩa xóm, mâu thuẫn với nhau cũng xuất phát từ tình trạng trạng chó thả rông phóng uế gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị, trong khu dân cư. Nguy hiểm hơn, đã có vô số những vụ việc chó thả rông không rọ mõm, chó dữ tấn công hàng xóm, người đi đường, du khách, đặc biệt là tấn công người già và trẻ em gây bệnh dại nguy hiểm, gây thương vong ngay sau đó xẩy ra liên tục trong thời gian gần đây khiến nhiều người vô cùng lo lắng, bức xúc.

Thiết nghĩ, ngoài việc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm của người dân, của chủ sở hữu vật nuôi trong việc cần thiết phải tiêm ngừa đối với vật nuôi, tiêm ngừa một khi đã bị chó mèo tấn công nhằm phòng ngừa bệnh dại. Đã đến lúc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quyết liệt và mạnh tay hơn đối với tình trạng "thú cưng" là chó thả rông không rọ mõm nơi công cộng của chủ sở hữu vật nuôi như hiện nay.

Xử phạt nghiêm và kiên quyết đối với chủ sở hữu vật nuôi không tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định về việc quản lý, nuôi chó mèo hoặc thả rông "thú cưng" là chó nơi công cộng nhưng không thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho cộng đồng cho nhiều người xung quanh và cả du khách. Không thể cứ mãi để diễn ra câu chuyện "phép vua thua lệ làng" đối với tình trạng chó thả rông không có các biện pháp an toàn tại nơi công cộng như hiện nay.

Một quốc gia đã có tương đối đầy đủ những quy định của pháp luật trong việc quản lý vật nuôi là chó mèo tại hộ gia đình và tại nơi công cộng của chủ sở hữu vật nuôi, một đô thị hiện đại, văn minh đã có đầy đủ những quy ước, cam kết thì không thể nào cứ mãi để tình trạng chó thả rông không có biện pháp an toàn tấn công người gây thương vong và là một quốc gia có tỷ lệ người tử vong vì bệnh dại cao nhất.

Pháp luật cần phải được thực thi mạnh tay hơn, nghiêm minh hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm