Thời gian qua, “rùa mini" là từ khóa khá hot trên mạng xã hội. Chỉ cần tìm kiếm trên Facebook là có thể nhận về hàng chục kết quả là những bài đăng mua bán loài rùa này.
Sở dĩ rùa mini được giới trẻ yêu thích là vì kích thước chúng nhỏ xinh, trên mai còn được người bán vẽ lên nhiều họa tiết sặc sỡ mà giá cả thì lại khá rẻ, chỉ 40.000 - 60.000/con.
Người bán tự tin “an toàn”
Theo quảng cáo của người bán, rùa mini sống trên cạn, hiền, rất dễ nuôi, thậm chí không ăn một tháng cũng không chết. Nhiều bạn trẻ thích thú mua về làm thú cưng hoặc quà tặng. Tuy nhiên cạnh đó cũng có một số bạn tỏ ra lo ngại.
Rùa mini được vẽ sơn lên mai, rao bán công khai . Nguồn Facebook người bán
Bạn Lê Nguyên Phương chia sẻ: “Mai rùa thực chất là xương có cả dây thần kinh và mạch máu. Vẽ sơn lên mai như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ vitamin có lợi của rùa. Kiểu này giống bạo hành động vật rồi.”
Có bạn còn nghi ngờ rùa mini chính là rùa tai đỏ vì hai bên tai có đốm đỏ. Bạn Châu Tiến nói: “Nếu là rùa tai đỏ thì rất có hại cho môi trường, việc mua bán này phải ngừng lại ngay”.
Trong vai khách hàng, chúng tôi hỏi mua rùa mini của một trang web thì được người bán khẳng định: “Đây là rùa cảnh bình thường thôi em ơi. Dù có là rùa tai đỏ thì có sao đâu, chẳng có ai chứng minh nó có hại cho con người cả”. Thậm chí khi chúng tôi lo lắng việc mua bán rùa này là phạm pháp thì người bán vẫn khẳng định 100% an toàn. Nguồn hàng chị vẫn nhập về rất đều đặn từ kho Hà Nội.
Có thể bị phạt nặng
Chúng tôi đã liên hệ với ông Ngô Văn Chí – nhà bò sát học. Sau khi xem xét các hình ảnh, ông khẳng định rùa mini chính là rùa tai đỏ có tên quốc tế là Trachemys scripta elegans.
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, rùa tai đỏ là loài ngoại lai, du nhập vào Việt Nam từ năm 1994. Loài rùa này sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao nên có thể phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật khác.
Bên cạnh đó, rùa tai đỏ mang nhiều mầm bệnh, trong đó có vi khuẩn Salmonella - một dạng vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Nếu được nuôi rộng rãi, con người khi tiếp xúc có thể bị nhiễm khuẩn, dẫn đến tiêu chảy, đau bụng dữ dội, sốt cao, thậm chí là tử vong.
Rùa tai đỏ. Ảnh: internet
Chính vì vậy, loài rùa này được đưa vào Phụ lục I Danh mục loài ngoại lai xâm hại Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển loài ngoại lai xâm hại như rùa tai đỏ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại NĐ 155/2016 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu đồng”, bà Hà nhấm mạnh.
Đối với các loại rùa khác, bà Hà cũng lưu ý rùa cạn đều là các loài động vật hoang dã (ĐVHD) được bảo vệ theo Luật bảo vệ và phát triển rừng (2004). Hành vi nuôi nhốt, vận chuyển, quảng cáo, kinh doanh, tiêu thụ, tàng trữ… đều bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 Luật này. Tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người dân có thông tin nơi nào quảng cáo, rao bán các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm hoặc nghi ngờ là rùa nguy cấp, quý, hiếm, hãy thông báo tới cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng miễn phí bảo vệ ĐVHD của ENV 1800 - 1522. |