Ngày 31-5-2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước ĐDSH và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học. Từ đó mỗi địa phương có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động ĐDSH. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, Viện Kỹ thuật biển đã tiến hành kế hoạch Xây dựng Chương trình hành động ĐDSH TP.HCM giai đoạn 2015 và định hướng đến năm 2020.
TP.HCM: hệ động thực vật phong phú
Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Đỗ Thị Bích Lộc, thuộc Viện Kỹ thuật biển cho biết căn cứ vào kết quả tổng hợp tài liệu, danh mục thực vật bậc cao trên cạn, dưới nước tại TP.HCM có trên 1.515 loài. Trong đó có 38 loài thực vật bậc cao quý hiếm, 28 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như gõ đỏ, trầm hương, bách xanh, lá hoa, tùng có ngấn, mặc nưa...; 21 loài trong Sách Đỏ của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN). Song song đó TP cũng có năm loài thực vật ngoại lai xâm hại như cỏ hôi, lục bình, mai dương…; chín loài có nguy cơ xâm hại như san sát, hồng kỳ, cỏ cước, xương rồng đất… Đối với loài động vật hoang dã có xương sống, theo tổng hợp và điều tra bổ sung của Viện năm 2015, TP có tổng cộng 587 loài.
Không chỉ là nơi vui chơi cho các em nhỏ, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là địa điểm quan trọng duy trì và bảo tồn nhiều loài thực vật, động vật. Ảnh: NGỌC CHÂU
Khu hệ thú, kể cả thú nuôi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn có trên 80 loài; trên 221 loài chim; bò sát có khoảng trên 55 loài. Đối với nhóm cá, kết quả phân tích mẫu vật thu thập trong hai đợt khảo sát tại TP.HCM đã xác định được 99 loài cá. Ngoài những loài cá có vùng phân bố tại chỗ, hàng năm, khu hệ cá TP.HCM còn được bổ sung thêm số lượng từ các loài cá di cư, bao gồm cả các loài cá di cư nước ngọt chủ yếu từ sông Sài Gòn – Đồng Nai vào nước lợ, mặn từ biển di cư vào. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận thêm khoảng 10 loài động vật ngoại lai xâm hại như rùa tai đỏ, cá tỳ bà, ốc bươu vàng…; những loài có nguy cơ xâm hại như cá trê phi, cá rô phi đen. Đối với khu hệ động vật không xương sống ở TP.HCM cũng đa dạng với 369 loài côn trùng, trong đó có những loại côn trùng có ích cho môi trường và con người. Nhóm nghiên cứu xác định bảy khu vực có ý nghĩa trong việc định hướng bảo tồn ĐDSH như khu vực bảo tồn nguyên vị; vùng hành lang thực vật tự nhiên và bán tự nhiên; vùng có khả năng chọn lựa xây dựng khu bảo tồn chuyển vị...
Tác động của đô thị hóa
Tính ĐDSH của TP.HCM được duy trì chủ yếu bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Cần Giờ. Trong đó có việc bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là mắt xích then chốt cho việc bảo vệ và duy trì ĐDSH cho TP. Tính ĐDSH trở nên phong phú hơn khi có sự góp mặt của khu hệ rừng Đông Nam Bộ mà Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là đại diện duy nhất còn sót lại. Song song với quá trình phát triển, TP chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến ĐDSH. Chẳng hạn như hệ sinh thái hành lang di cư – kết nối ĐDSH ở nội thị với vùng ngoại biên – đang chịu tác động khá mãnh liệt từ tác động quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu; Thảo Cầm Viên Sài Gòn là địa điểm quan trọng duy trì và bảo tồn nhiều loại thực vật, động vật bản địa, động vật thực du nhập nhưng hiện nay nơi này trở nên quá tải. Quá trình khai hoang cải tạo đất đã thu hẹp phạm vi phân bố hệ sinh thái một cách đáng kể; diện tích không gian xanh ở khu vực nội thành bị giảm đi. Hàng năm nhiều giống cây trồng, vật nuôi, động vật hoang dã ngoại lai và bản địa đi qua các cửa khẩu TP.HCM. Những nơi này cũng là đầu vào của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại như thực vật xâm hại, côn trùng, nấm, virus... gây bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm và cả con người.
Bảo vệ ĐDSH là bảo vệ sự tồn tại của loài người. Đã đến lúc chúng ta phải thực sự nghiêm túc trong việc định hướng, triển khai hành động cụ thể để bảo vệ muôn loài.