Trong tuần qua, loạt bài điều tra bên trong "rạp phim tình nhân" do PV Pháp Luật TP.HCM thực hiện đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Một số bạn đọc cho rằng mô hình kinh doanh này nếu không được cơ quan chức năng kiểm soát tốt sẽ dễ bị biến tướng và mang nhiều hệ lụy cho xã hội.
Đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng phải dẹp ngay rạp phim tình nhân để tránh phát sinh tội phạm trong giới trẻ.
Theo thông tin, tại TP.HCM có nhiều cơ sở kinh doanh đăng ký lưu trú nhưng mọi hoạt động và quảng cáo lại là rạp chiếu phim dành cho hai người. Các cơ sở này được gọi là couple cinema (hay rạp phim tình nhân). Rạp chiếu phim nhưng trang thiết bị phục vụ cho những phòng chiếu phim lại là giường, bồn tắm, ghế tình yêu và nhiều đồ vật nhạy cảm. Việc kinh doanh loại hình rạp phim tình nhân như vậy khó đảm bảo được sự an toàn và lành mạnh nhìn từ góc độ quản lý xã hội.
Rạp phim tình nhân dễ có tác động xấu với giới trẻ
Bạn đọc Thanh Hằng nêu: “Rạp phim như thế này là không ổn, nó giống như một khách sạn để người lớn dẫn vào hành sự thì đúng hơn. Rạp chiếu phim gì mà toàn bố trí đồ dùng người lớn, đã thế khi vào xem phim lại không kiểm tra độ tuổi thì quá nguy hiểm. Nếu như trẻ em dưới 16 tuổi vào và xảy ra những điều không hay thì ai chịu trách nhiệm”.
“Tôi ví dụ có những em gái dưới 16 tuổi, bị bạn trai rủ vào xem phim. Nghe nói xem phim thì bố mẹ cũng an tâm mà cho đi. Nếu vào rạp phim tình nhân như thế nào thì khả năng các em bị sàm sỡ, bị hiếp dâm là rất cao. Điều đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của giới trẻ, làm xấu đi môi trường văn hóa giải trí lành mạnh tại các rạp phim. Chính vì thế, loại hình này cần phải dẹp ngay để các phụ huynh an tâm cũng như cơ quan nhà nước dễ quản lý”- bạn đọc Trần Anh chia sẻ.
Bạn đọc Hạnh Nguyễn bình luận: “Không thể chấp nhận rạp phim tình nhân như vậy tồn tại. Kể các khi rạp chiếu phim chỉ tiếp khách trên 18 tuổi vào xem cũng không được vì những đồ vật được bố trí trong phòng cũng rất dễ khiến người xem suy nghĩ lệch chuẩn”.
Chính quyền vào cuộc, nhiều 'rạp phim tình nhân' đồng loạt đóng cửa
Ngày 20-6, đại diện UBND phường 12, quận 10, cho biết, trước và sau khi nhận thông tin PLO phản ánh, địa phương đã lập đoàn kiểm tra, yêu cầu cơ sở Kat in love đường Sư Vạn Hạnh tạm ngưng hoạt động, để làm rõ những dấu hiệu có vi phạm.
Theo ghi nhận, địa điểm rạp phim tình nhân có tên Kat in love – couple cinema tại đường 20 và đường Nguyễn Văn Công quận Gò Vấp đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Cơ sở rạp phim tình nhân tại đường Lê Lai cũng đóng cửa và gỡ hết các bảng hiệu có tên Kat in love. Trên Google và mạng xã hội nhiều cơ sở rạp phim tình nhân mà PLO phản ánh đã đổi tên từ Kat in love thành Numbnut (kinh doanh khách sạn).
. Sau tuyến bài điều tra của PLO về “rạp phim tình nhân”, nhằm chấn chỉnh tình trạng phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng, Thanh tra Sở VH&TT đã ban hành Công văn số 188/TTS ngày 18 tháng 6 năm 2024.
Công văn đề nghị Phòng VH-TT&DL TP Thủ Đức, Phòng VH&TT các quận, huyện tham mưu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Luật Điện ảnh, Nghị định số 131/2022.
Kinh doanh kiểu ‘treo đầu dê bán thịt chó’ cần dẹp ngay!
Bạn đọc Khánh An ý kiến: “Theo thông tin mà bài báo cung cấp thì các rạp phim tình nhân chủ yếu là cơ sở kinh doanh đăng ký lưu trú vậy là chủ cơ sở đã vi phạm trong quá trình kinh doanh, theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính. Hơn thế, rạp phim còn chiếu đã phim nhạy cảm, không được phép phổ biến và hành vi này có thể bị xử hình sự chứ không đơn giản. Kiểu kinh doanh treo đầu dê bán thịt chó như thế này thì cần phải dẹp ngay”.
“Đi xem phim tại nơi có trang bị cả sextoy, giường tình yêu…thì không thể xem đây là rạp chiếu phim được, giống khách sạn hơn. Nếu các bạn trẻ không đủ kiến thức, kinh nghiệm thì sẽ có cái nhìn lệch chuẩn về loại hình giải trí là xem phim. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những rạp chiếu phim lành mạnh khác. Chính vì thể, để việc xem phim là nơi giải trí đúng nghĩa thì các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh lại”- bạn đọc Hải Âu ý kiến.
Bạn đọc Thái An nêu: “Cơ sở lưu trú thì chỉ dịch vụ việc lưu trú, nếu là rạp chiếu phim thì phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Chúng ta phải rõ ràng chứ đăng ký kinh doanh một đằng, hoạt động một nẻo thì cơ quan nào quản lý nổi. Mong rằng sau khi bị phơi bày các cơ sở này không còn kiểu kinh doanh như thế nữa”.
Kinh doanh phải đúng ngành nghề đăng ký
Thực tế qua phóng sự điều tra và ghi nhận của PV cho thấy, các cơ sở kinh doanh này kinh doanh ngành nghề không đúng với việc đăng ký cơ sở lưu trú mà biến tướng qua hình thức khiêu dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (thể hiện giường nệm, phòng tắm, sử dụng các thiết bị máy móc, các file hình ảnh đồi trụy, thông qua Internet….) để phục vụ khách hàng.
Đối với rạp chiếu phim và cấp phép cho hoạt động mở Rạp chiếu phim đã có các quy định rất chặt chẽ … phải đảm bảo tính giáo dục, đạo đức, phim ảnh đưa vào các rạp chiếu phim phải xin phép, kiểm duyệt nghiêm ngặt…
Tuy nhiên, những cơ sở này tiếp nhận khách, mở các phim mang tính đồi trụy, việc nhận các loại khách không được kiểm tra về độ tuổi, giới tính … có thể dẫn đến hành vi dâm ô, hiếp dâm hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý và các loại tội phạm khác.
Chính vì thế, cơ quan chức năng mà đặc biệt là công an phải làm rõ hành vi vi phạm của các cơ sở này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan công an thu thập các dữ liệu điện tử (các hình ảnh, phim đồi truỵ…), căn cứ vào các dữ liệu đó thì xử lý tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 248 BLHS.
Ngoài ra, nếu không phát hiện ra vi phạm nêu trên thì chỉ xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề.
Luật sư Nguyễn Thanh Kha, Đoàn Luật sư TP.HCM