Rộ lên tình trạng "đạo" đủ thứ

Tôi nhớ lại thời tôi học cách đây đã ngót 50 năm, lúc đó tôi còn nhớ Trần Tế Xương có viết: "Cái học ngày nay đã hỏng rồi/Mười người đi học, chín người thôi" để nói lên sự suy tàn của nền Nho học lúc bấy giờ khi văn hóa Tây phương đổ vào đất Việt.

Ngày nay, không phải do văn hóa Tây phương hay văn hóa nào tràn vào đây nhưng do chính cái văn hóa "sính bằng cấp" cho nên ra đường bây giờ thấy thạc sĩ, tiến sĩ đầy đường. Trong đó có ai biết được có bao nhiều người đã đạo văn, đạo sách, đạo luận văn của người khác để thành thạc sĩ, tiến sĩ chưa?

Trên nguyên tắc thì luận văn thạc sĩ, tiến sĩ là một công trình nghiên cứu có tính khả thi, là một tài liệu có giá trị, có tầm cỡ để cho đời sau học tập và làm theo. Thế nhưng những loại sách "đạo" như sách của GS.TSKH Nguyễn Đình Hương đó có xứng và có nên để cho thế hệ con cháu chúng ta đọc và học hay không? Câu hỏi này cần sự trả lời của các nhà giáo dục lắm đó.

Tôi đã được đọc rất nhiều luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ của rất nhiều tác giả, quanh đi quẩn lại chỉ thấy toàn là những sưu tầm, điều tra, tổng kết, xào nấu, thống kê rồi đánh giá, ngoài ra chưa thấy có công trình nào thật sự có tính nghiên cứu tìm tòi đúng nghĩa của một công trình khoa học cả. Rất buồn.

Tôi có đọc một đề tài luận văn tiến sĩ của một vị đang có tên tuổi và có chức quyền với một đề tài chỉ có việc đi lục tài liệu qua các năm rồi làm bài toán thống kê lại thôi mà cũng là tiến sĩ, giỏi thật. Thế mới có câu rằng: "Cái học ngày nay đã hỏng rồi/Mười người đi "đạo", chín người thôi". Thực tế đi làm thống kê tức là đi đạo công lao của người khác để có số liệu. Thời đại phong kiếng ngày xưa họ có cái hay là phải thi đỗ đạt rồi mới được ra làm quan, còn ta bây giờ có người ra làm quan rồi mới đi "lấy bằng cấp" chứ không phải thi bằng cấp.

BS LÊ VĂN LỄ, nguyên Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM (bsle...@ymail.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới