(PLO)- Trong không khí vui xuân đón tết, đông đảo người dân và du khách háo hức tham gia hội đánh bài chòi ở Bình Định.
"Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để con nó khóc đến lòi rún ra"
Hai câu ca dao được xướng lên mở hội bài chòi dân gian ở Bình Định mỗi dịp tết đến, xuân về. Hội đánh bài chòi trở thành một thú vui của người dân nơi đây. Dịp tết, trên khắp nẻo đường quê, hội đánh bài chòi rộn rã chào xuân.
Bài chòi từ một trò chơi dân gian ở làng trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Chín tỉnh miền Trung từ Quảng Bình tới Khánh Hòa là quê hương của di sản bài chòi.
Riêng với Bình Định - vùng đất được coi là cái nôi xuất phát của bài chòi, sau một thời gian dài tưởng chừng mai một, thì nay, sức sống của loại hình nghệ thuật dân gian này mãnh liệt hơn cả. Bài chòi ở Bình Định được phục dựng, phát huy và lan tỏa rộng, sâu trong đời sống của người dân địa phương.
Ngày 7-12-2017, UNESCO công nhận, ghi danh Nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Điều này đã khẳng định vai trò của bài chòi trong đời sống tinh thần của cộng đồng, tôn trọng giá trị sáng tạo nghệ thuật của vùng đất Trung bộ Việt Nam trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa của nhân loại.
Chín tỉnh miền Trung từ Quảng Bình tới Khánh Hòa là quê hương của di sản bài chòi. Riêng với vùng đất Bình Định, vùng đất được xem là cái nôi của bài chòi, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi được thực hiện rất tốt. Đến nay, Bình Định thành lập 35 nhóm, câu lạc bộ bài chòi với 200 nghệ nhân tham gia hô bài chòi.