Góp thanh xuân cho Trường Sa

(PLO)- Trường Sa luôn là mái nhà rộng cửa cho những người con đất Việt đến cống hiến, nương nhờ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với hoài bão của tuổi trẻ, những giáo viên, người chiến sĩ sẵn sàng góp sức xây dựng mái nhà Trường Sa thêm giàu mạnh.

Để xây dựng Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc thêm giàu mạnh, những người trẻ đã không tiếc đóng góp những ngày tháng thanh xuân đẹp nhất của đời mình…

Năm năm đón Tết ở đảo

Ngoài đảo Sinh Tồn - nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) có ngôi trường tiểu học mang tên Sinh Tồn. Gắn với ngôi trường nhỏ này suốt năm năm qua, người giáo viên duy nhất - thầy Phạm Xuân Diệu (30 tuổi) như người cha hiền từ của các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Thầy Diệu gần như “cân hết” tất cả môn học và tất cả… lớp học.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những khi Tết đến xuân về nỗi nhớ nhà, nhớ quê lại cồn cào gan ruột người thầy trẻ. “Nhưng mình hãnh diện vì đã cống hiến sức trẻ, tuổi xuân cho quê hương, đất nước. Không có gì lớn lao lắm, chỉ có một chút hãnh diện, tự hào” - thầy Diệu nói.

Lớp học nhỏ ở đảo Sinh Tồn, bàn ghế ngăn nắp, thoảng thơm mùi giấy bút. Những người lính Hải quân tuần tra, công tác trên đảo vẫn có thể nghe tiếng trẻ ê a đọc bài văng vẳng trong tiếng sóng.

Căn nhà nhỏ của thầy Diệu nằm nép dưới tán lá xanh um của những cây phi lao, cây bàng vuông, cách trường học chỉ mấy bước chân. Đồ đạc trong nhà đơn sơ, không có gì nhiều ngoài sách. Năm năm không phải là dài cũng không phải quá ngắn nhưng chừng đó thời gian người thầy gác lại hạnh phúc riêng để thực hiện thiên chức “trồng người” của mình nơi đảo xa. Thật đáng trân trọng.

31-Anh-1.jpg
31-Anh02.jpg

Vậy nên Trường Sa cũng là mái nhà của thầy Diệu và các cán bộ, chiến sĩ công tác tại đảo. “Tất cả mọi người đón Tết trên đảo đều rất đồng cảm với nhau. Buồn vì xa bố mẹ, vợ con nhưng ở đây cũng có học sinh, có anh em cán bộ, chiến sĩ cùng chia sẻ với nhau. Cũng thấy vui” - thầy Diệu nói.

Tết ở đảo, thầy Diệu cũng cùng các cán bộ, chiến sĩ gói bánh chưng, bánh tét, soạn cỗ đón giao thừa. “Mâm cỗ Tết ở đảo rất đơn giản nhưng rất đầm ấm, vì tôi và anh em Hải quân kết nghĩa nên cũng như anh em, họ hàng ở quê” - thầy Diệu cho hay.

Trường Sa là mái nhà chung

Hồi năm năm trước, thầy Diệu viết đơn xin tình nguyện ra Trường Sa dạy học. Lúc đó, người thanh niên 25 tuổi đang làm công việc dạy học ở Nha Trang. “Vì tình yêu nghề và muốn cống hiến sức trẻ của mình nơi đầu sóng ngọn gió” - thầy Diệu nói lý do tình nguyện ra đảo.

Nhớ lại thời điểm đó, thầy Diệu cho biết do là con trai lớn trong gia đình, lại sắp cưới vợ nên mẹ có vẻ không đồng ý vì thương và lo. Nhưng với sự động viên của anh em và người cha đã tiếp thêm động lực cho thầy thực hiện hoài bão tuổi trẻ. Từ đó, Trường Sa như là mái nhà thứ hai của thầy Diệu.

31-Anh-3.jpg
31-Anh03.jpg
31-Anh-5.jpg
Học sinh nhỏ tuổi ở đảo Đá Tây. Ảnh: Nguyễn Tân

Trên đảo Đá Tây, thầy giáo Nguyễn Công Qua (29 tuổi) cũng có thời gian năm năm bám trường ở đây vì sự nghiệp “trồng người”.

“Tôi đã trải qua những lễ khai giảng, ngày Tết… rất đặc biệt mà cả đời không thể quên. Ở đây khác hoàn toàn so với đất liền, chỉ có thầy trò và các cán bộ, chiến sĩ. Mọi người quây quần bên nhau như một gia đình” - thầy Qua tâm sự.

Một lần, Đoàn công tác số 5 do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM chủ trì phối hợp với Quân chủng Hải quân đi thăm, tặng quà các lực lượng và người dân trên quần đảo Trường Sa. Gửi về đất liền cho gia đình là quả bàng vuông cùng một số vỏ ốc, Nguyễn Nhật Minh, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, cho biết mình vừa ra đảo được một năm.

Với quả bàng vuông và món quà gửi về đất liền, Minh cho biết đây là món quà rất quý ở đảo. “Khi có khách đến chơi ngày lễ, Tết thì gia đình em có thể tự hào nói rằng đây là món quà mà chỉ có những người lính đi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở Trường Sa mới có để gửi về” - Minh tự hào.

“Tết xa nhà rất nhớ nhưng em ra đây là thực hiện những gì Tổ quốc kêu gọi. Những chiến sĩ như em ra đảo cống hiến nên rất phấn khởi, mong muốn thực hiện tốt nghĩa vụ của một người chiến sĩ Hải quân, đoàn kết với đồng đội vượt qua mọi khó khăn” - Minh nói.

Tàu cá ăn Tết tại đảo

Với Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Chính trị viên đảo Đá Tây A, Trường Sa luôn là mái nhà rộng cửa cho những người con đất Việt đến cống hiến, nương nhờ.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, công tác chăm lo cho người dân vươn khơi, bám biển lại càng được anh quan tâm. “Như Tết vừa rồi, đơn vị đã hỗ trợ ba tàu cá của ngư dân Bình Định ăn Tết tại đảo. Chúng tôi cũng hỗ trợ mỗi tàu cá ngư dân 3 triệu đồng” - Thượng tá Bách chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm