Vào mùa hè 1991, chúng tôi đi tàu biển Peace Boat của Nhật từ phao số Không ở khu vực vịnh Gành Rái để theo sông Lòng Tàu vào TP.HCM. Khi tàu vào cửa sông, mọi người đều trông thấy những hàng cây trổ bông trắng xóa, chi chít trên hai hòn Núi Lớn và Núi Nhỏ, thuộc mũi đất Vũng Tàu.
Ấn tượng vùng đất cây gòn xưa
Đó chính là cây gòn, làm nên quang cảnh rừng núi lấp lánh, rạo rực cả một bầu trời. Người đi trên tàu thuyền, chẳng mấy chốc sau khi qua rừng gòn trên núi, sẽ nhận ra từ phía chân trời hình ảnh một bến tàu và một TP nhộn nhịp.
Phải chăng vào thế kỷ 16-17, di dân Việt khi dong thuyền từ biển vào vùng đất mới lạ cũng đã trông thấy cảnh sắc rừng gòn và hình ảnh một cảng thị xuất hiện sau rừng gòn đầy ấn tượng biểu cảm như thế?
Và rồi khi vào sâu bên trong, đặt chân lên vàm Bến Nghé (bờ sông từ rạch Thị Nghè đến đầu con kênh Bến Nghé hiện hữu), di dân Việt còn gặp lại hình ảnh cây gòn, rừng gòn hoang sơ ở khắp các gò đất cao.
Chính những cây gòn to khỏe là nguồn vật liệu trời cho để di dân Việt mau chóng dựng nhà, lập xóm và có củi đốt. Dần dà họ còn học hỏi người dân địa phương cách sử dụng trái gòn để làm thuốc, làm bông dệt vải và nhiều công dụng khác. Cách khai thác lợi ích của cây gòn như thế còn tồn tại ở Sài Gòn, Biên Hòa và một số nơi khác của miền Đông Nam Bộ cho đến giữa thế kỷ 20.
Tên Sài Gòn là lời tri ân Thiên - Địa - Nhân
Đến nay vẫn có nhiều ý kiến “giải mã” khác nhau về tên gọi Sài Gòn. Theo chúng tôi, có thể có thêm một cách lý giải khác, chính là địa danh Sài Gòn xuất phát từ ấn tượng đặc biệt và tình cảm sâu sắc về vùng đất mới ven sông biển. Cách đây 400 năm, cây gòn - rừng gòn - hàng gòn không chỉ là hình ảnh độc đáo mà còn là “ân nhân” thiên nhiên của thế hệ người Việt nhập cư trên vùng đất mới. Để ghi nhớ ấn tượng đầu tiên, cũng để cảm ơn trời đất và người dân sở tại, di dân Việt thuở ấy đã gọi quê hương tân lập và nơi chốn cưu mang gia đình họ bằng hai chữ Sài Gòn.
Cái tên nôm na ấy đã tồn tại xuyên thế kỷ, không chỉ vì dễ gọi, dễ nhớ mà còn vì phản ánh tâm hồn yêu chuộng thiên nhiên và nhân văn! Và để tỏ lòng tri ân, như một nghĩa cử thường có của người Việt, tổ tiên người Sài Gòn đã lập miếu thờ cây gòn đây đó. Một trong những dấu vết của tín ngưỡng ấy là miếu thờ hai cây gòn to khỏe, tồn tại từ lâu trên đất Thảo Cầm Viên TP.HCM, bên bờ kênh Thị Nghè.
Không chỉ hai chữ Sài Gòn, tấm lòng yêu chuộng thiên nhiên của tổ tiên vùng đô hội tương lai còn phản ánh trong hàng loạt địa danh mang tên cỏ cây, hoa lá. Ngày nay, được gọi và đọc hai chữ Sài Gòn cũng như những địa danh thể hiện thiên nhiên hồn hậu, hẳn chúng ta không thể không cảm phục và trân trọng cách sống giao hòa với đất trời của các thế hệ trước.
Sài Gòn là TP sông nước
Bên cạnh cây lá và đất giồng - gò cao, chính sông nước, bao gồm biển, sông, rạch, hồ, giếng và nước ngầm, cũng như kênh đào đã làm nên sức sống và nguồn lợi kinh tế lớn lao của Sài Gòn. Theo các phát hiện khảo cổ, đất Sài Gòn phần cửa biển Cần Giờ có dấu tích của những làng chài và cảng thị giao thương từ trước Công nguyên.
Từ cửa biển Cần Giờ đi vào vàm Bến Nghé (khu vực bờ sông dọc đường Tôn Đức Thắng ngày nay) bằng tàu thuyền dễ dàng vì dòng sông sâu rộng, đủ sức đón những con tàu lớn. Bằng các ngả đường kênh rạch, từ Sài Gòn có thể đi đến Tiền Giang - vùng giàu có lúa gạo, cây trái và hải sản hoặc ngược lên Đồng Nai Thượng, nơi dư dả lâm sản và thú rừng.
Chính nhờ những đường nước nói trên, bao gồm cả biển lẫn sông và kênh rạch mà các sắc dân tìm đến tụ cư ở Sài Gòn không chỉ sống bằng canh tác hay chài lưới.
Qua nhiều năm tháng, họ đến đây còn vì mối lợi giao thương và các nghề thủ công liên quan đến sông nước (làm ghe, sửa chữa thuyền bè, đan lưới, làm mắm và chế biến thực phẩm…).
Thế mạnh sông nước của Sài Gòn đã được khắc ghi trên logo của Tòa thị chính TP (1870-1950) bằng hình ảnh chiếc thương thuyền ba cột buồm và dòng sông khỏe khoắn - biểu tượng cho công nghiệp và giao thương. Cũng trên logo này còn có hình ảnh hai con cọp vằn hiên ngang và những cành lá nhiệt đới. Đó chính là hình ảnh đặc trưng thể hiện bản sắc - căn cước lịch sử của Sài Gòn - một kinh đô lớn mạnh từ đất rừng và là nơi hội tụ cả sông biển và các dòng chảy quốc gia và quốc tế.
Một Sài Gòn xanh tươi và khỏe khoắn từ cội nguồn cây và nước, không chỉ là gia sản vật chất quý báu mà còn là kho báu làm nên tinh thần dân cư và vẻ đẹp nhân văn của TP.HCM ngày nay. Đó cũng chính là nguồn tư liệu và cảm hứng lịch sử cần được khai thác, nuôi dưỡng lâu dài cho các dự án quy hoạch và kinh tế, nhất là cho giáo dục và truyền thông!