Sài Gòn có bóng đá… xanh

(PLO)- Nhiều câu chuyện đẹp, thấm đẫm tình người khiến lịch sử bóng đá Sài Gòn như một hành trình xanh với nhiều ý nghĩa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm 2010, khi cùng tham gia trong hội đồng biên tập sách Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam, tôi được nghe cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể chuyện. Từ chuyện cha ông bắt gôn cho đội bóng làng bị gãy tay đến chuyện đội bóng làng ông ở xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang mời được đội bóng Cảng Sài Gòn có trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang về thi đấu.

Những kỷ niệm đẹp

Ông Sáng kể: “Hồi đó làng chú ngon lắm nha, dám thách đấu mời Cảng Sài Gòn về đá sân ruộng, khán giả đông nghẹt. Đá xong hai đội mở tiệc bên bờ sông có đờn ca tài tử dưới ánh sáng đèn măng xông… Lúc về đoàn xe nào của đội Cảng Sài Gòn cũng có vài bao gạo…”.

Nhắc về câu chuyện với cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng để nhớ thêm về bóng đá Sài Gòn từng nổi tiếng XANH. Cái từ xanh mà đến gần cuối đời, ông Lê Thụy Hải khi kể về những ngày đội Tổng cục Đường sắt chuẩn bị vào miền Nam đá trận đầu tiên giữa hai miền Nam - Bắc sau ngày thống nhất đất nước: “Hồi đấy nghe Cảng Sài Gòn là mê và muốn được gặp các anh ấy rồi. Chưa được xem họ đá nhưng được nghe về đội bóng đặc trưng của Sài Gòn có lối đá nhỏ phối hợp nhóm, có trung vệ Tam Lang lịch lãm ra sân lúc nào cũng nghiêm chỉnh, có cú xoạc bóng điệu nghệ…”.

Cái XANH của bóng đá Sài Gòn được người Hà Nội nhắc đến đó là mùa giải 1982-1983 khi đội Hải quan tranh chung kết với Thể Công trên sân Hàng Đẫy. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên viên của LĐBĐ Việt Nam xếp lịch thi đấu giải toàn quốc, kể lại: “Tôi không bao giờ quên được lần đầu khán giả thủ đô chứng kiến một đội bóng ở Sài Gòn đá trận chung kết mà ai cũng tóc dài với tóc bum-bê lại mặc áo Adidas chính hiệu…”.

Lại cũng có những cái XANH mà chỉ người trong cuộc mới biết như giải A1 toàn quốc năm 1984, khi đội Cảng Sài Gòn bốc thăm vào bảng đấu ngoài Bắc thời tiết giá rét thì đội Hải quan xót cho bạn nhường luôn bộ Adidas dài tay mới cáu cho đồng nghiệp giữ ấm. Rồi giải đội mạnh toàn quốc năm 1991 khi đội Quảng Nam Đà Nẵng vào Nam thi đấu với bộ trang phục đã bay màu thì cũng chính Hải quan tặng cho đội bạn bộ quần áo thi đấu mới. Nào ngờ mùa giải ấy hai đội đá chung kết ở sân Thống Nhất đầy ắp khán giả lại là Hải quan và Quảng Nam Đà Nẵng.

62-Anh-1.jpg
Ông Lê Hùng Dũng và danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang tại lễ trao giải Fair Play của báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY

Chuyện ông Tam Lang xin ngồi ô tô với cầu thủ

Bóng đá Sài Gòn từng có những giai đoạn khó khăn. Đó là những năm 1980 khi Cảng Sài Gòn đứng bên bờ vực tan rã vì kinh phí thì các công nhân Cảng Sài Gòn sẵn sàng hy sinh trích lương, trích quỹ phúc lợi để lãnh đạo cảng giữ đội bóng.

Lứa cầu thủ cựu trào kể lại ngày đội mang tên Trẻ TP.HCM thi đấu ở hạng dưới trận cuối giải đá ở tận Nghệ An, vì không có tiền cho cả đội về bằng máy bay nên chỉ ưu tiên cho lãnh đạo. Lúc đấy, HLV Tam Lang nói: “Các HLV chúng tôi luôn bên cầu thủ và chia sẻ mọi khó khăn, buồn vui với họ, nếu không đủ điều kiện cho cả đội thì xin cho chúng tôi được trả vé để ngồi ô tô về cùng với các em…”.

Nhắc lại chuyện này, cậu học trò Nguyễn Hồng Phẩm rưng rưng: “Hai ngày ngồi ô tô liền, lúc xe về đến chung cư nhà thầy Tam Lang ở quận 5 thì chân tay thầy tê cứng hết và anh em phải cõng thầy từ xe lên nhà. Cũng từ đó thầy bắt đầu đổ bệnh nặng hơn, đi lại khó khăn và không còn gắn bó với bóng đá nữa…”.

Bóng đá Sài Gòn luôn đầy ắp những kỷ niệm dễ thương và đó cũng là lý do suốt nhiều năm khi cùng ngồi tập hợp và biên soạn sách Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam, cố Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Hùng Dũng (đồng thời cũng là chủ tịch LĐBĐ TP.HCM nhiều nhiệm kỳ) lúc bấy giờ nói: “Riêng bóng đá Sài Gòn, tập hợp lại cũng mấy tập sách viết không hết…”.

Lò bóng đá XANH giữa Sài Gòn

Sài Gòn bây giờ có lò bóng đá nổi tiếng do cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng thành lập. Bắt đầu từ năm 2016, anh Hùng mở sân tập, huấn luyện miễn phí cho các cháu đam mê bóng đá. Vui hoài nhưng không có tiền trang trải thì không tồn tại được, thầy Hùng bắt đầu thu phí nhẹ 200.000 đồng và miễn phí cho các cháu có hoàn cảnh nghèo.

62-Anh-2.jpg
Lò bóng đá XANH của thầy Lưu Ngọc Hùng ban đầu chỉ có 8-9 học viên... Ảnh: H.LƯU

Từ dạy cho vui chỉ có 8-9 cháu đến nay thì trung tâm đào tạo của thầy Hùng đã có hơn 15 cơ sở trên địa bàn TP.HCM và xấp xỉ 1.000 học viên đủ các lứa tuổi từ U-8, U-10 đến U-12, U-14, U-18… đã cung cấp nhiều cầu thủ cho các CLB Bình Dương, HA Gia Lai, Viettel, PVF và cả Học viện NutiFood.

Lò đào tạo XANH của cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng ngoài việc hỗ trợ LĐBĐ TP.HCM tham dự các lứa U ở những giải trẻ thì với cấp độ chuyên nghiệp đã trở thành vệ tinh chính thức trong hệ thống tuyển chọn và đào tạo của CLB Thể Công Viettel.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm