Một ngày cuối tháng 7, tôi đáp chuyến bay từ Florida đi Lima - thủ đô của Peru, bắt đầu hành trình một mình chu du Nam Mỹ trong sáu tháng. Tôi và chiếc ba lô màu xanh của mình đã cùng nhau đi qua vài quốc gia Nam và Trung Mỹ là Peru, Bolivia, Colombia, Ecuador, Panama và Costa Rica. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ đó là hành trình đi tới hoang đường nhất của cuộc đời. Một hành trình mà mãi nhiều năm về sau, hẳn tôi vẫn sẽ còn nguyên niềm xúc động về từng sự kiện đã xảy ra, từng con người đã gặp.
Trong số những ký ức đó, tôi đặc biệt nhớ Peru và chuyến xe về phía mặt trời…
Thủ đô Lima - đài phun nước và mèo hoang
Lima là TP lớn nhất Peru, nằm bên bờ Đại Tây Dương lộng gió và dường như luôn bị bao phủ bởi một màn sương mờ ảo. Khắp TP là những công trình kiến trúc lộng lẫy thời thuộc địa vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay như Quảng trường Mayor, cung điện Hoàng gia, cung điện của Đức Giáo hoàng, nhà thờ trung tâm Lima, nhà thờ Thánh San Francisco, nhà thờ Santo Domingo, các tòa nhà ở quận Rimac, bảo tàng nghệ thuật người Ý... Tất cả đều mang vẻ đẹp kết hợp của lối kiến trúc Phục Hưng khai sáng, Hispanic thuộc địa và Baroque phù hoa. Nghĩa là ta có thể cùng lúc nhìn thấy sự kết hợp của những mái vòm, cột trụ, ô kính màu, các đài phun nước, những bức tượng cầu kỳ, những dãy nhà được sơn màu vàng đặc trưng của các vùng thuộc địa châu Âu. Kiến trúc hỗn hợp của Lima làm tôi chợt nghĩ nếu như TP này là một phụ nữ. Nàng yêu thích sự giản dị lẫn phù hoa, nàng vừa khoa trương lại lắm hoang mang, nàng phục tùng cùng lúc cả nhà thờ lẫn chế độ quân chủ, nàng ca ngợi cuộc sống bừng nở tráng lệ ở những khu quảng trường rộng lớn nhưng cũng phủ định nó nơi các tu viện kín cổng cao tường.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất là ở giữa Lima 9 triệu dân chật như nêm, người ta vẫn dành ra một công viên dễ thương ngay giữa trung tâm TP chỉ để cho lũ mèo hoang có chỗ phơi nắng. Có rất nhiều mèo sống trong công viên này và chúng tỏ ra rất hài lòng với cuộc đời thong thả của mình khi được các tình nguyện viên cho ăn thường xuyên, được người dân Lima vuốt ve cưng nựng và được chính quyền TP bảo vệ.
Thung lũng Colca và thần ưng Andes
Lý do chính tôi đến đây là muốn được tận mắt nhìn thấy thần ưng Andes. Đó là một loài kền kền khoang cổ thuộc họ kền kền tân thế giới, sống trong những hẻm núi thuộc dãy Andes hùng vĩ kéo dài xuyên suốt các quốc gia Nam Mỹ từ Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia cho đến Argentina, Chile. Chúng được xem là loài chim bay được lớn nhất thế giới với chiều dài thân lên đến 1,3 m, sải cánh dài trên 3 m, đuôi cứng, mỏ sắc nhọn và ánh mắt sát thủ. Vì những đặc điểm này, chúng được mệnh danh là chúa tể bầu trời Nam Mỹ, trở thành biểu tượng trên quốc huy của nhiều nước trong khu vực này, là niềm tự hào của con cháu người Inca, là huyền thoại trong những câu chuyện kể đầy mê hoặc về sức mạnh và tự do.
Và rồi Colca Canyon vĩ đại hiện ra trong sương sớm, tôi choáng ngợp đứng trên hẻm núi sâu gấp đôi Grand Canyon này, không thể rời mắt trước một kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp được xem là nơi huyền thoại về loài chim ưng dũng mãnh bắt đầu. Khi mặt trời đã lên cao và chiếu những tia nắng hòa cùng màn sương bảng lảng phủ vàng thung lũng, bỗng có tiếng kêu “quác quác” vang vọng đâu đó từ phía dưới vực sâu. Mọi người còn đang lao xao thì đột nhiên một cái bóng màu đen rất lớn lao vút lên, xòe đôi cánh dài rộng thẳng tắp mà nhìn từ xa cứ ngỡ như một chiếc máy bay cỡ nhỏ. Bóng đen lượn nhiều vòng ngay trên đầu đám người đang há hốc mồm giương máy ảnh bên dưới. Ít lâu sau, từ dưới vực sâu lại có thêm nhiều bóng đen lao lên nhanh như tên bắn. Giờ đây cả một vùng hẻm núi Colca hùng vĩ đang trở thành vũ đài lộng lẫy nơi thần ưng Andes phô diễn những cú bay điệu nghệ và mạnh mẽ như xé toạc nền trời xanh. Anh chàng hướng dẫn viên Alejandro luôn miệng nói với chúng tôi đây là chim ưng chứ không phải đại bàng bởi hai loài này hoàn toàn khác nhau nhưng hay bị nhầm lẫn.
Rồi anh mở bản nhạc El Cóndor Pasa trên điện thoại của mình và nhắc mọi người đây là lúc thích hợp nhất để nghe nó. Ngay lập tức tôi nhận ra những giai điệu cũ kỹ quen thuộc mà hồi còn nhỏ xíu từng nghe trên đài phát thanh (và tôi chắc là bạn cũng sẽ nhận ra nó). Alejandro nói rằng đây chính là một bài hát Peru nổi tiếng nhất thế giới và được chính phủ xếp vào hàng di sản văn hóa quốc gia, một bản quốc ca thứ hai. Bản nhạc này vốn là một khúc hát dân ca thổ ngữ Quechua có từ thế kỷ 18 tên là Kuntur, kuntur (Thần ưng, thần ưng), với ca từ thấm đẫm nỗi buồn hoài hương của tâm hồn Inca dưới ách thống trị hà khắc của người Tây Ban Nha: “Hỡi chim ưng vĩ đại, chúa tể của trời xanh/ Hãy đưa tôi trở về rặng núi Andes, bên những người anh em Inca, hỡi chim ưng vĩ đại”.
Cố đô Cusco - trái tim của đế chế Inca
Phần lớn khách du lịch đến Peru vì muốn đến Machu Picchu, mà muốn đến đây thì phải đến Cusco - điểm dừng chân trước khi leo núi. Cusco từng là cố đô lịch sử của đế chế Inca thịnh vượng với đường biên giới trải dài khắp một vùng Nam Mỹ rộng lớn, hiện là TP du lịch hấp dẫn nhất Peru với 2 triệu lượt khách mỗi năm. Tôi không vội leo lên Machu Picchu ngay, mà dành nhiều tuần chỉ để thư thả dạo chơi quanh Cusco, vì tôi thích những con dốc nhỏ lát đá, những tiệm cà phê xinh xắn, những nhà hàng đáng yêu nằm khuất trong những ngôi nhà cổ. Thành Cusco lừng lẫy, nơi từng là trái tim của đế chế Inca với lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Colombia đến tận Argentina, nơi từng không có gì nhiều bằng… vàng. Thành trì Cusco sụp đổ dưới sự xâm chiếm, cai trị và đồng hóa của người da trắng khiến cho cả một vùng Nam Mỹ rộng lớn với lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo hàng ngàn năm thoắt cái trở thành thuộc địa tân thế giới, nói cùng một thứ tiếng Tây Ban Nha và thờ chung một chúa Giêsu.
Trong các cẩm nang du lịch Nam Mỹ, Cusco được nhắc đến như là một nơi để người ta đến tìm chút dấu tích còn sót lại của nền văn minh Inca cổ xưa, cụ thể là ta sẽ tìm đến một bức tường cổ còn được giữ lại nguyên vẹn trong TP và chụp vài tấm ảnh. Nó được xây bằng kỹ thuật chồng các phiến đá lớn lên nhau khớp đến nỗi ngay cả một lưỡi dao cũng không thể lách vào.
Riêng trong ký ức của tôi, Cusco hiện lên là những ô cửa màu xanh dương nổi bật trên nền những ngôi nhà màu trắng và ly sô-cô-la nóng tuyệt ngon trên đỉnh đồi (nếu ta biết rằng Cusco là quê hương của hạt ca cao hảo hạng)!
Machu Picchu!
Cái tên đó đã trở thành một trong những khám phá đầy kích thích của thế kỷ 20. Thật ra toàn bộ cái quần thể đáng kinh ngạc bằng đá ấy đã nằm trên đỉnh núi thiêng từ hàng trăm năm qua nhưng mãi đến năm 1911 mới tình cờ được Hiram Bingham III phát hiện.
Khi đặt chân lên đỉnh núi, dưới bóng lá cờ cầu vồng của người Inca đang tung bay trong cơn gió mạnh cuối chiều, tôi xúc động nhìn xuống toàn bộ quần thể Machu Picchu vĩ đại nằm giữa một vùng thung lũng Urubamba trù phú được bao phủ bởi những ngọn núi lẫn trong mây. Ánh nắng xuyên qua mây và núi tạo thành những luồng sáng tuyệt đẹp phủ tràn lên những dòng chảy lịch sử của một thời. Tôi nghĩ mình đã nhìn thấy thời gian của nhiều thế kỷ như đang ẩn hiện đặc quánh trong không gian. Tôi đứng đó, không làm gì hết, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn và tưởng tượng về những câu chuyện của ngàn năm và nhận ra mình đang chảy nước mắt. Đây là Machu Picchu. Đây là Nam Mỹ.
Trong tín ngưỡng của người Inca cổ, thần Mặt trời Inti là vị thần có quyền năng tối thượng, tạo nên vạn vật và nắm giữ sự tồn vong của con người. Chính nhờ có nhiệt độ và ánh sáng mặt trời mà cây trồng mới có thể phát triển, vì vậy người Inca thờ phượng và cầu nguyện thần Inti để có được mùa màng bội thu. Với họ, mặt trời là nguồn sống vô giá, là ánh sáng chân lý, là trung tâm thế giới, là nơi ta dâng lên những lời ước nguyện chân thành. Tôi đang ở đây giữa đền thờ thần Mặt trời ở Machu Picchu, tôi có cảm giác như đang ở đường biên của hai thế giới, giữa hiện tại và quá khứ, giữa vĩnh hằng và lãng quên, giữa cái vĩ đại của vũ trụ và sự bé nhỏ của con người. Ở trong cả hai thực tại ấy, từng cá thể người chúng ta hiện diện trong thân thể vật chất này, mỗi người có một cái tôi không trộn lẫn, mỗi người chọn đi trên một con đường riêng tư khác biệt. Nhiệm vụ lớn nhất của đời người là giữ được cái tôi chân chính của mình và đi hết con đường tiền định. Nhưng rồi có khi ta lại sơ ý quên mất điều đó và lạc mất con đường mình cần đi. Và đó là khi theo quan niệm của người Inca cổ, ta cần tìm về với thần Mặt trời của mình, tìm về với nguồn ánh sáng chân chính của trái tim, nơi thấu tỏ mọi điều, rồi từ đó ta sẽ tìm được đường về nhà. Tôi sẽ còn nhớ mãi chuyến xe về phía mặt trời này, ở Peru…