Không chỉ phụ nữ sau sinh nở mới bị sa tạng chậu mà giới trẻ chưa từng sinh nở cũng có thể bị. Đây là thông tin được BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM), chia sẻ tại hội nghị sàn chậu học TP.HCM diễn ra ngày 2-11.
Các dạng sa tạng chậu thầm kín của chị em phụ nữ. Ảnh: Internet
Theo BS Thanh, căn bệnh sa tạng chậu là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ sau sinh khi gây mất thẩm mỹ, tự tin cho chị em trong sinh hoạt. BV Từ Dũ hằng năm tiếp nhận rất nhiều các ca sa tạng chậu, trung bình mỗi tháng có 15-17 chị em bị căn bệnh này tìm đến bệnh viện. Đa phần các ca sa tạng chậu gặp ở phụ nữ sau sinh, nguyên nhân do quá trình mang thai và rặn sinh gây tổn thương hệ thống cơ nâng đỡ bàng quang, trực tràng, gây rối loạn chức năng vùng sàn chậu như tiểu són.
Tuy nhiên, cũng vẫn có những phụ nữ trẻ chưa từng trải qua sinh nở mắc căn bệnh khó nói này. Đặc biệt, cách đây hơn một năm, có một cô gái 20 tuổi, là một vận động viên thể thao đã mắc căn bệnh này tìm đến bệnh viện. Do chưa từng sinh nở nên bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng là do cô gái vận động quá mạnh khi tập luyện thể thao.
Cũng theo BS Thanh, điều trị rối loạn chức năng sàn chậu cũng đã thay đổi hoàn toàn, theo hướng bảo tồn. Trước đây nhiều phụ nữ phải cắt tử cung gây tự ti, mặc cảm. Do đó tại các bệnh viện chuyên khoa Sản, Niệu đã triển khai các kỹ thuật nâng đỡ sàn chậu với sự ứng dụng laser. Đây được xem là bước tiến mới trong y khoa, mở ra cơ hội mới cho phụ nữ bị bệnh. Tại hội nghị lần này, các chuyên gia y tế đã cập nhật liệu pháp kết hợp trị liệu cùng với công nghệ Laser FotonaSmooth. Với công nghệ này sẽ hỗ trợ tối ưu trong việc điều trị với thủ thuật không bóc tách, chỉ xâm lấn tối thiểu vào thành âm đạo.
Theo thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM, cứ ba phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ, có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó, cứ năm người thì có một người bị sa từ hai cơ quan trở lên như sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng.