Sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam qua ngòi bút nhà khoa học khí quyển

(PLO)- Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam của TS Nguyễn Đức Hiệp- chuyên gia khoa học về khí quyển đã chỉ ra những mâu thuẫn như là chất liệu thúc đẩy sự đa dạng và sáng tạo trong hai bộ môn nghệ thuật biểu diễn này.

Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam luôn là đề tài thú vị và hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều người đọc. Tìm hiểu về quá trình phát triển của nghệ thuật biểu diễn không chỉ giúp hiểu thêm về những tác phẩm nổi tiếng mà còn mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về con người và xã hội qua những thay đổi của thời gian.

Trước đây, các cuốn như Lịch sử sân khấu Việt Nam, Lịch sử Điện ảnh Việt Nam…hầu như đã trở thành những tài liệu kinh điển để tìm hiểu nghệ thuật biểu diễn. Mới đây, sách Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam của TS Nguyễn Đức Hiệp do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành đã góp thêm một nguồn tư liệu cho giới nghiên cứu và độc giả về lĩnh vực kịch và điện ảnh Việt Nam.

img-5775-6503-5990.jpeg
"Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam" vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam 286 trang, gồm hai nội dung lớn là "Sân khấu kịch nghệ" và "Điện ảnh" tác giả đã đưa các sự kiện có chọn lọc vào sách nhằm nêu bật những câu chuyện, những người nghệ sĩ đã góp phần xây dựng và phát triển hai ngành nghệ thuật này. Đáng chú ý, là tác giả đã liệt kê các cuộc đối đầu về tư tưởng xã hội điển hình, ngõ hầu phác thảo một bức tranh tổng quát tiến trình phát triển kéo dài hơn 100 năm của nghệ thuật biểu diễn.

Trong Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam, TS Nguyễn Đức Hiệp không đề cập đến nguồn gốc thể kịch cổ truyền của dân tộc, nhưng ông ghi nhận những vở kịch nói đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là vào khoảng những năm 1860, do người Pháp đem vào để phục vụ giải trí cho cư dân Pháp sống tại Nam Kỳ.

Kể từ dạo đó, sân khấu kịch không chỉ dần tiến bộ trong diễn xuất và sự biểu đạt của các nghệ sĩ mà còn là kết quả của sự giao thoa với các thể loại kịch hát bản địa, điển hình là cải lương. Cải lương với dòng âm nhạc cung đình Huế kết hợp với khả năng biểu đạt của kịch nói kiểu phương Tây đã tạo nên phong cách biểu diễn độc đáo, đồng thời tạo ra sự đa dạng đáng kinh ngạc trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.

TS Nguyễn Đức Hiệp dẫn trường hợp mô hình "cải lương hí kịch" biểu diễn tại rạp Quảng Lạc (Hà Nội) là trường hợp điển hình. "Trong các tuồng hát, mỗi câu chuyện, mỗi câu hát được nghệ sĩ đối đáp chững chàng (PV: chững chạc) nên khán giả đều lóng tay nghe" (tr26), "bài trí (décor) gồm các tranh, lâu đài sơn thủy, đạo cụ chẳng khác gì rạp hát Tây"(tr.26).

Vì thế, ngay từ những năm 1920, sự giao thoa này đem lại nhiều thành công "thu hút nhiều khán thính giả thuộc đủ thành phần trong xã hội" (tr.26) kéo dài cho đến năm 1937, nghệ sĩ Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) đã mạnh dạn chuyển thể vở kịch thơ Trường Hận của Vi Huyền Đắc soạn thành điệu cải lương và được gánh Phụng Hảo đưa lên sân khấu.

Bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 không dễ dàng chấp nhận người diễn viên trên sân khấu kịch ăn bận theo kiểu cách Tây, hành động tự do không theo khuôn vàng thước ngọc, đặc biệt là người phụ nữ, đã trở thành cái gai trong mắt những người mang tư tưởng cũ.

Cuộc tranh luận của cô Liên, nữ diễn viên đóng tuồng Trang Tử Cổ Bồn, trên Hà Thành Ngọ báo (số ra ngày 28-7-1927), với khán giả là cô Phạm Thị Lân là điển hình cho tư tưởng về tiếp nhận, cách tân việc biểu diễn kịch. Cô Lân cho rằng cô Liên đang băng hoại giá trị cổ truyền của dân tộc, ra sức phê phán cách cô Liên "khuê các giả điệu". Đây là trường hợp điển hình cho sự xung đột về ý thức giữa cái mới và cái cũ.

Bên cạnh xung đột trên bình diện tư tưởng, cuốn Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam còn chỉ ra từ năm 1945 đến năm 1975 khủng hoảng xã hội do chiến tranh gây ra đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển kịch và điện ảnh.

IMG_6224.jpeg
Tác giả cuốn sách, TS Nguyễn Đức Hiệp. Ảnh: NVCC.

Sau 1975, Việt Nam bước vào thời kỳ hậu chiến, sân khấu kịch và điện ảnh bắt đầu phục hồi và mang sứ mệnh hàn gắn các vết thương chiến tranh quan trọng hơn bao giờ hết. Hồn trương ba, Da hàng thịt, Tôi và chúng ta...là những vở kịch nói phơi bày cảm xúc của người nghệ sĩ, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ lạc quan đến bi quan. Phim Trăng nơi đáy giếng, Mùi đu đủ xanh..." là một sự nhảy vọt của điện ảnh Việt Nam với nhiều đạo diễn thế hệ trẻ trong và ngoài nước" (tr.286) để từ đó cho ra đời những phim mang tính nhân văn và nghệ thuật.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp là chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và di sản, tiểu bang New South Wales, Úc.

Ông là tác giả nhiều bài viết có giá trị về lịch sử, khoa học, văn hóa

Tác phẩm đã xuất bản:

Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, Sài Gòn - Chợ Lớn thể thao và báo chí trước 1945, Nghệ thuật sân khấu: hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ 19 đến 1945….

Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam là cuốn sách thứ 2 của TS Nguyễn Đức Hiệp viết về đề tài nghệ thuật biểu diễn với những tư liệu quý được ông khai thác từ báo chí và kho lưu trữ các thư viện trong và ngoài nước.

ctvquochuong

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm