Anh Đinh Văn Tài (28 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP Biên Hoà) là một gương mặt trẻ tuổi trong cộng đồng Bookbinder (hội người đóng sách) có niềm đam mê với kỹ thuật đóng bìa sách theo phong cách châu Âu.
Mong muốn tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật
Nói về niềm đam mê sách, anh Tài cho biết anh chỉ là người đọc sách thuần túy, tức chỉ đọc và đọc thôi. Thế nhưng, cách đây hơn 2 năm, trong lúc tình cờ lang thang trong một hội nhóm sưu tầm sách trên Facebook, anh bắt đầu chú ý đến những cuốn sách được đóng bìa cứng rất cầu kỳ và đẹp mắt. Khi hỏi ra thì được biết bìa này đóng theo phong cách châu Âu.
Bị vẻ đẹp mắt, tính nghệ thuật cao của những bìa sách này “hớt hồn”, anh Tài quyết định tự học và nghiên cứu đóng bìa sách. Theo anh, bìa sách được cho là hoàn chỉnh, tinh tế đóng theo phong cách châu Âu có đặc điểm là sự kết hợp các yếu tố như chất liệu da ốp bìa, dụng cụ chế tác và kỹ thuật đóng. Muốn “Tây hóa” bìa sách thì các yếu tố trên phải được thiết kế một cách hài hòa và nhất quán, tạo ra sự cân đối về mặt ý nghĩa giữa bìa và nội dung cuốn sách.
“Người châu Âu luôn nổi tiếng với sự cầu kỳ và việc đóng sách cũng được họ xây dựng trên một quan niệm phức tạp. Kỹ thuật đóng bìa Châu Âu không đơn thuần là cách đóng một lớp bao ngoài cuốn sách, mà còn chứa đựng những nguyên tắc nhằm bảo vệ cuốn sách lâu dài. Khi tôi bắt đầu tự học đóng sách rất khó khăn vì ở Việt Nam không ai dạy cách đóng này cả, mình phải tự nghiên cứu, đóng xong cuốn sách lật ra lật vô thấy chưa hợp ý thì cuốn sau mình cải tiến thêm” – Anh Tài chia sẻ.
Anh Đinh Văn Tài hiện đang làm công việc đóng bìa sách theo phong cách châu Âu tại TP.Biên Hòa. |
Một bìa sách được người thợ châu Âu đóng bao giờ cũng chú ý đến phần mép viền cuốn sách vì nơi đó thể hiện tính thẩm mỹ, phong cách của người thợ, đôi khi thể hiện nét văn hóa bản địa. Vì yếu tố này mà anh Tài phải tìm mua bằng được cây lăn, cuối cùng một người bán hàng thanh lý ở Úc đã đồng ý sang nhượng cho anh 7 cây lăn với giá quy ra tiền Việt hơn 2.000.000 đồng/một cây.
Sau thời gian thuần thục quy trình đóng, anh Tài nhận gia công bìa sách cho khách bên ngoài. Trước khi nhận sách, anh dành thời gian để tìm hiểu về sở thích và lựa chọn đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng.
“Kỷ niệm là đợt trước có anh khách ở TP.HCM, ảnh nhờ tôi đóng bộ truyện Tam Quốc Chí của nhà xuất bản Hương Hoa, xuất bản năm 1966. Yêu cầu khách đưa ra là cần đóng nhanh thật chỉnh chu để kỷ niệm mừng thọ 80 tuổi của ba ảnh là 1 vị giáo sư của trường đại học ở Cần Thơ. Tôi nhận đóng bộ truyện cho anh ấy, vui là khi ba anh ấy nhận sách thì rất thích cái bìa vì mang tính hoài cổ, phù hợp với nội dung. Anh khách bất ngờ và nói với tôi, chưa thấy được bộ sách nào mà nó được khôi phục kiểu vừa sang trọng vừa đơn giản như thế”.
Qua hơn 2 năm bước vào nghề một cách gián tiếp thông qua sự tự mày mò và rèn dũa kinh nghiệm, anh Tài dần tích lũy kiến thức và kỹ năng đóng bìa theo tiêu chuẩn châu Âu cần thiết để trở thành một thợ đóng bìa sách chuyên nghiệp. Anh hi vọng mỗi bìa sách sau khi hoàn thành mang dáng vóc tác phẩm đẹp mắt và được người yêu sách quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực đóng sách nghệ thuật
Bộ sưu tập máy ép sách độc lạ
Ngoài việc đóng sách, anh Tài cho biết còn sở hữu bộ sưu tập những máy đóng sách độc lạ mà có tuổi đời lên đến cả trăm năm.
Cấu tạo đơn giản gồm trục xoay và bàn ép nhưng rất quan trọng trong quá trình đóng bìa. Máy ép sách thường có công dụng ép bìa cứng ở giai đoạn thô sơ nhằm giúp cho tấm bìa phẳng phiu, không bị gồ ghề trên bề mặt, sau đó sẽ tiến hành ốp da vào bìa.
Máy ép sách còn giúp tạo ra độ cứng cho bìa, giúp sách không bị cong và giữ được dáng dấp gọn gàng. |
Anh Tài cho biết đang sở hữu 4 máy ép sách có tuổi trên 100 năm, còn 3 cái đã được đặt mua tại Úc và chờ vận chuyển về. Máy nhỏ có trọng lượng khoảng 17 kg, máy lớn nhất nặng tới 53 kg.
Chỉ tay vào chiếc máy to nhất, anh cho biết đó là “món” tâm đắc nhất mà anh mua ở Úc có giá khoảng 20 triệu đồng. Những loại máy to cân nặng hơn 50 kg rất hiếm thấy trên thị trường; những chiếc cái máy tầm trung 30 kg, 40 kg thì phổ biến với thợ đóng sách ở nước ngoài…Gặp được “hàng độc” anh mừng hết lớn, nhưng cũng lo lắng vì quá trình chuyển về khó khăn, tốn kém.
Anh Tài giới thiệu về lịch sử, công dụng của máy ép sách to nhất đang sở hữu đến bạn bè. |
“Tìm thấy được con máy này rất vui, chưa ai ở Việt Nam sở hữu hết. Nhưng ngặt khâu gửi vì nhiều đơn vị không chịu nhận do cồng kềnh, không thể tháo từng chi tiết mà mình phải giữ nguyên khối, tốn rất nhiều chi phí vận chuyển” – Anh Tài chia sẻ.
Theo quan niệm tại Việt Nam, người ta chỉ quen với sưu tầm tem cổ, tiền cổ, đồ sành sứ… thú “chơi” máy ép sách vẫn còn là hình thức sưu tầm khá lạ, bạn bè rất bất ngờ vì sở thích “lạ” của anh Tài và rất nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội khi anh đăng tải hình ảnh máy ép sách.
“Sưu tầm máy ép tuy khá mới mẻ nhưng trong tương lai, khi chúng ta quan tâm hơn về nét đẹp văn hóa trong nghệ thuật đóng sách thì những chiếc máy này sẽ là hiện vật mang lại lợi ích về kiến thức lịch sử và nghệ thuật đóng sách. Tôi hy vọng đây sẽ là thú chơi được nhiều người biết đến, từ đó giúp chúng ta thấu hiểu và đánh giá cao giá trị của những di sản văn hóa độc đáo này.” – Anh Tài tâm niệm.