Sản phẩm làm từ xơ mướp đạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh

(PLO)- Theo ban tổ chức, bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, sản phẩm chùi rửa nhà bếp làm từ xơ mướp được xuất khẩu ổn định.

Video: Sản phẩm làm từ xơ mướp đạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh

Chiều 29-10, tại Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP.HCM, dự án Kết nối con người với tự nhiên - Mr Mướp của nhóm Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân, Lê Na (Đồng Tháp) vượt qua 36 dự án đến từ 25 tỉnh thành trong cả nước để giành giải nhất vòng chung kết Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9 năm 2023.

Dự án Kết nối con người với tự nhiên - Mr Mướp ra đời từ năm 2017 với mong muốn tạo ra những sản phẩm mới từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện môi trường, có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới cho những phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp là xơ mướp.

Giai đoạn hiện tại, dự án có những hướng phát triển tích cực, sản phẩm đa dạng. Hàng năm các đơn hàng từ đối tác trong và ngoài nước tăng lên.

Hiện nay sản phẩm của dự án đã lên kệ của hệ thống siêu thị Aeon, Nhật Bản.

Đáng chú ý, bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, các sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm làm từ xơ mướp là những mặt hàng chủ lực được xuất khẩu ổn định sang thị trường Nhật và Hàn Quốc.

Dự án đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ từ kế hoạch liên kết xây dựng vùng trồng, bao tiêu thu mua nguyên liệu

Ban tổ chức trao giải nhất cho dự án đạt giải nhất.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, tham gia cuộc thi năm nay các bạn trẻ đã biết chú trọng đến yếu tố thị trường, áp dụng công nghệ, quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững, nhiều sản phẩm hướng đến người tiêu dùng cuối được quan tâm như thực phẩm có lợi cho sức khoẻ...

Bên cạnh đó, các dự án còn có một số điểm yếu. Chẳng hạn, các bạn trẻ chưa nhận thức đầy đủ về xanh, sinh thái hay khái niệm ESG, bài toán tài chính... Không ít dự án thiếu tập trung vào lĩnh vực cốt lõi.

“Ngay cả DN thành công cũng lo tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Khát vọng là tốt nhưng quá lớn nhiều khi sẽ bị phân tán nguồn lực. Các bạn nên chọn những gì mình có lợi thế cạnh tranh tốt nhất để tập trung” - chuyên gia Lan nhấn mạnh.

Cuộc thi do BSA, Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức.

Tổng giá trị giải thưởng 1.229.000.000 đồng, trong đó 436 triệu đồng tiền mặt phân bổ cho 9 giải chính, 52 gói tư vấn hỗ trợ các hoạt động khác.

Giải nhất trị giá 150 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng tiền mặt.

Hai giải nhì, mỗi giải trị giá 80 triệu đồng; ba giải ba, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng; ba giải khuyến khích mỗi giải trị giá 30 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới