Tại buổi họp báo của Hội Luật gia Việt Nam (VN) công bố bản tuyên bố phản đối việc Trung Quốc (TQ) đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế VN chiều 9-5, luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cùng Chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh, Tổng Thư ký Lê Minh Tâm đã trả lời câu hỏi của các phóng viên. Pháp Luật TP.HCM xin trích phần trả lời của ông Trần Công Trục đối với các vấn đề liên quan do báo giới đặt ra tại buổi họp báo này.
Yêu cầu VN rút tàu rồi đàm phán là buồn cười
. Báo Pháp Luật TP.HCM: Hôm qua, Bộ Ngoại giao TQ đã họp báo quốc tế, gợi ý VN rút các tàu của mình ra khỏi khu vực giàn khoan, rồi đôi bên đàm phán giải quyết vấn đề. Ông bình luận thế nào về đề nghị này?
+ Ông Trần Công Trục: Đề nghị này là không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười. Vị trí giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa VN, không dính dáng gì đến vùng biển mà họ gọi là Tây Sa, cũng như không liên quan gì đến cái họ gọi là chồng lấn tính từ các đường cơ sở đã công bố. Vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền VN, các lực lượng VN đang làm việc bình thường. Do đó không có chuyện rút tàu rồi đàm phán.
VN sẵn sàng đàm phán hòa bình, không để xung đột ảnh hưởng đến hòa bình. Ta kiên trì, kiềm chế nhưng không phải bằng mọi giá. Thái độ của TQ khi đưa ra gợi ý đó là gây sức ép và không bình thường. Chắc chắn không bao giờ VN làm việc vô lý đó.
Luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ (trái), đang trả lời báo giới tại buổi họp báo chiều 9-5 của Hội Luật gia Việt Nam. Ảnh: NN
. Tuổi Trẻ: Ông đánh giá thế nào về việc TQ chọn thời điểm này để hành động?
+ Trước khi có bước đi này, TQ đã làm nhiều chuyện, trên tất cả lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, thông tin truyền thông. Đặc biệt là các hoạt động trên thực tế, từng bước từng bước với những động cơ khác nhau như thăm dò, đe dọa, răn đe, để rồi tính toán đến thời điểm làm việc này.
TQ đã tính vào thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là các nước phương Tây, Mỹ, Nga đang có bận rộn ở Ukraine.
Đây là bước tiến rất quan trọng, rất nguy hiểm của TQ, là kết quả tất yếu mà TQ đã bài binh bố trận từ khá lâu rồi. Theo tôi, TQ sẽ không dừng lại ở bước đi này mà còn tính toán bước tiếp để thực hiện ý đồ mà họ đã công bố công khai bằng đường lưỡi bò chiếm đến 85% diện tích biển Đông.
. Pháp Luật TP.HCM: Phải chăng TQ đang cố biến vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN thành vùng tranh chấp?
+ Đây là cách TQ vận dụng, diễn giải UNCLOS theo ý đồ biến tài sản riêng của người khác thành tài sản của mình; biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Đây là một bước để TQ nhằm tới mục tiêu của mình trong âm mưu độc chiếm biển Đông.
Cần kiện để đảm bảo lợi ích cho chúng ta
. Quân Đội Nhân Dân: Với hành vi vi phạm pháp luật quốc tế như thế của TQ, trên cơ sở UNCLOS, ta có giải pháp gì?
+ UNCLOS có quy định về các chế tài, quy tắc, thủ tục để các bên đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về Luật Biển. VN là thành viên UNCLOS và có thể thực hiện điều hết sức chính đáng đó như một biện pháp hòa bình.
Trong nội dung đàm thoại giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với người đồng cấp TQ cũng nêu rõ: VN sẵn sàng áp dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này. Việc đưa vấn đề này lên các cơ quan tài phán quốc tế là bình thường, đúng đắn và văn minh trong một xã hội hiện đại.
. Đời Sống & Pháp Luật: Vậy ta đã có thể triển khai vụ kiện ngay chưa, hay còn tùy thuộc vào vấn đề nào nữa?
+ Tôi tin là các cơ quan chức năng VN đang chuẩn bị, thậm chí đã chuẩn bị từ lâu rồi. Bây giờ là lúc hoàn thiện nó lên.
Chúng ta không nên sốt ruột vì việc này. Không thể nói là làm ngay được mà phải chuẩn bị chu đáo. Lực lượng luật gia phải chuẩn bị vào trận, chuẩn bị kỹ. Tôi nghĩ sớm muộn thì điều đó sẽ xảy ra. Với ý kiến cá nhân, tôi nghĩ trong lúc này, thế mạnh của VN là pháp lý. Chắc chắn chúng ta nắm điều đó đảm bảo cho lợi ích của chúng ta.
. Tuổi Trẻ: Nếu kiện ra tòa án quốc tế, ông có niềm tin là VN sẽ thắng không?
+ Với tất cả kinh nghiệm của người nghiên cứu vấn đề này, tôi tin nếu chúng ta đưa vụ kiện này lên tòa án trọng tài quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế, chúng ta sẽ thắng lợi. Vì chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, có đầy đủ cơ sở có thể kiện.
Tất nhiên khi kiện lên tòa có nhiều yếu tố, không chỉ đơn thuần về pháp lý, chân lý mà còn nhiều vấn đề khác. Thực tiễn trong hoạt động tài phán còn có yếu tố thái độ của đương sự, thái độ của ủy viên tham gia vào HĐXX... Muốn làm chúng ta phải chuẩn bị nhiều biện pháp đảm bảo cho tiếng nói chân lý được trở thành hiện thực.
Hiệu quả của vụ kiện, chí ít là ta nói được với thế giới rằng VN có niềm tin đối với chân lý. VN tôn trọng và có trách nhiệm của mình trong việc tận dụng, sử dụng UNCLOS với tư cách là một thành quả của nhân loại và nhân loại sử dụng để giải quyết tranh chấp vì lợi ích chính đáng của các dân tộc, vì thế giới hòa bình và ổn định.
NGHĨA NHÂN