Âm mưu thay đổi hiện trạng của Trung Quốc

Ngày 8-5 (giờ địa phương), nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên cấp cao của Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra thông cáo báo chí lên án mạnh mẽ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở biển Đông.

Đe dọa hòa bình và an ninh ở biển Đông

Thông cáo của nghị sĩ Eni Faleomavaega có đoạn: “Ngày 2-5, Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 ở vùng biển Việt Nam và triển khai hàng chục tàu hải quân để bảo vệ hành động khiêu khích của mình. Ngày 3-5 và 5-5, Trung Quốc ra thông báo cấm tàu thuyền vào khu vực và khẳng định giàn khoan HD-981 sẽ tiến hành khoan thăm dò dầu khí”.

Nghị sĩ Eni Faleomavaega nhắc đến hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc nhằm leo thang ý đồ đe dọa hòa bình và an ninh biển ở biển Đông như tuyên bố về đường chín đoạn ở biển Đông từ năm 2009, cắt cáp các tàu Bình Minh II và Viking II của Việt Nam vào tháng 5 và 6-2011, thành lập cái gọi là TP Tam Sa hồi tháng 6-2012, thực hiện các biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp có hiệu lực tháng 1-2014, đẩy mạnh thăm dò dầu khí ở các vùng tranh chấp, tấn công các tàu cá Việt Nam, tổ chức tuần tra và tập trận ở biển Đông để phô diễn sức mạnh.

Nghị sĩ nhận định chính phủ Mỹ đã phản ứng không đáng kể đối với hành động kể trên của Trung Quốc và bày tỏ thất vọng trước phản ứng còn yếu của Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ giàn khoan HD-981. Ông kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra tuyên bố dứt khoát, rõ ràng hơn và phải khẳng định các tuyên bố chủ quyền không có căn cứ của Trung Quốc ở biển Đông đồng thời kêu gọi Trung Quốc có biện pháp giảm ngay căng thẳng.

 
Các tàu bảo vệ của Trung Quốc dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu Việt Nam. Ảnh: CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Trung Quốc thách thức trật tự quốc tế

Trả lời đài phát thanh và truyền hình Đức Deutsche Welle ngày 8-5 (giờ địa phương), chuyên gia Gregory Poling ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington (Mỹ) khẳng định Trung Quốc đang âm mưu thay đổi hiện trạng trên biển Đông.

. Vì sao vị trí đặt giàn khoan HD-981 của Trung Quốc lại gây ra tranh cãi?

+ Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan thuộc lãnh hải Việt Nam. Theo các bằng chứng xác thực hiện có thì hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm các cam kết quốc tế như Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.

. Đâu là ý nghĩa của sự cố này, đặc biệt sự cố diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama?

+ Sự cố này cho thấy thái độ cứng rắn liên tiếp từ lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề tranh chấp lãnh hải. Đối với Mỹ, động thái của Trung Quốc là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh không tin Washington đủ tiền để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ đối tác trong khu vực cũng như ngăn chặn Trung Quốc. Đối với cộng đồng quốc tế, hành động của Trung Quốc đã thách thức trật tự thế giới, cả đối với UNCLOS và luật pháp quốc tế.

. Trung Quốc muốn gửi thông điệp gì cho các nước láng giềng?

+ Cùng với các động thái hồi đầu năm nay tại bãi cạn James và bãi Cỏ Mây, Trung Quốc muốn gửi thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh quyết tâm thay đổi hiện trạng trên biển Đông bất chấp phản ứng hoặc hành động nào, kể cả nỗ lực đưa vấn đề lên tòa án trọng tài quốc tế hay thái độ can thiệp của Mỹ.

. Sự cố này ảnh hưởng đến các nước ASEAN thế nào?

+ Tôi cho rằng động thái của Trung Quốc càng làm gia tăng tinh thần đoàn kết và nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với ASEAN.

. Vai trò của Mỹ trong sự cố này?

+ Mỹ dù có rất ít biện pháp nhưng cần tập hợp cộng đồng quốc tế lên án nỗ lực đơn phương thay đổi Luật Biển của Bắc Kinh. Mỹ cần sử dụng mọi kênh có thể để hối thúc Trung Quốc và Việt Nam kiềm chế.

. Sự cố này ảnh hưởng thế nào đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc?

+ Quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Việt Nam đang quyết tâm bằng mọi giá đứng vững trước hành động gây hấn của Trung Quốc. Việt Nam đã có kinh nghiệm nhiều năm đối phó với sự cố như thế này.

. Theo ông, liệu Trung Quốc có rút lui trong vài ngày hay vài tuần tới?

+ Điều này phụ thuộc vào mức độ ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cũng như các nước láng giềng đối với Việt Nam. Cách duy nhất khiến Bắc Kinh rút lui là giữ thể diện. Cách tốt nhất là phối hợp áp lực khu vực và quốc tế để buộc Trung Quốc rút giàn khoan trước tháng 8 bởi Bắc Kinh tuyên bố đến tháng 8 giàn khoan này sẽ chấm dứt hoạt động.

Việt Nam đã tiến hành sáu cuộc họp song phương

Trên trang tin Rappler (Philippines) ngày 9-5, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh quốc gia (Viện Nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philippines) Rommel C. Banlaoi nhận xét giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng chủ quyền của Việt Nam và UNCLOS.

Ông ghi nhận Việt Nam và Trung Quốc từng có lịch sử giao tranh tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Giao tranh đã làm thiệt mạng 50 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa và 20 binh sĩ Trung Quốc. Đến nay, Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Từ khi Trung Quốc khởi động giàn khoan HD-981 hôm 1-5, Việt Nam đã tiến hành sáu cuộc họp song phương với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Ông Rommel C. Banlaoi ghi nhận sự cố giàn khoan HD-981 đang hủy hoại niềm tin chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai nước sẽ phải xây dựng lại niềm tin chiến lược nếu muốn duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp. Nếu không, tình hình suy thoái quan hệ chính trị sẽ thúc đẩy Việt Nam vào tình thế buộc phải kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế như Philippines đã làm.

Hành động khiêu khích của Trung Quốc cũng sẽ tạo tiền đề cho các nước Đông Nam Á gấp rút hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang nhăm nhe chiếm bãi cạn James, bãi Cỏ Mây và lấn sang khu vực quần đảo Natuna.

DUY KHANG

 

Báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 9-5 đăng bài xã luận kêu gọi Trung Quốc phải ngưng khoan thăm dò dầu ở vùng biển Việt Nam. Báo ghi nhận tình hình căng thẳng trên biển Đông đang rất nghiêm trọng khi tàu Trung Quốc đâm và dùng vòi rồng phun nước vào các tàu Việt Nam gần khu vực đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một chương mới trong lịch sử tranh chấp phức tạp ở biển Đông.

Báo Asahi Shimbun khẳng định cách hành xử của Trung Quốc là không thể chấp nhận và Trung Quốc không có quyền đơn phương tiến hành hoạt động kinh tế ở vùng biển tranh chấp. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, trong đó đặt ra các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Hành động trên của Trung Quốc đã giẫm đạp các nguyên tắc đã nhất trí. Báo nhấn mạnh Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng đang diễn ra ở khu vực đặt giàn khoan HD-981 và Trung Quốc phải rút lui trước.

Báo New York Times (Mỹ) đã đăng bài viết với nhan đề “Trung Quốc phô diễn sức mạnh trong tranh chấp với Việt Nam”. Báo nêu ngày 8-5, lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận các tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng xịt vào các tàu Việt Nam gần giàn khoan HD-981. Hành động này cho thấy lập trường “cơ bắp” ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng châu Á.

Báo dẫn lời học giả Orville Schell, Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung ở Hội châu Á (Mỹ), nhận định tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng rất đáng báo động, trong đó động thái đưa giàn khoan HD-981 đến vùng biển tranh chấp cho thấy Trung Quốc không trỗi dậy hòa bình như quảng bá.

Học giả Orville Schell cho rằng Trung Quốc đã tạo ra bầu không khí khiến nước này rất khó chung sống hữu nghị với các nước láng giềng. GS Dennis C. McCornac ở ĐH Loyala University Maryland (Mỹ) nhận định thái độ hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển một phần nhằm thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc của người dân trong nước. Ông nhận định Bắc Kinh khó gây chiến với Việt Nam vì hai nước có nhiều lợi ích kinh tế ràng buộc.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm