Sao lại cắt điện, nước nhà sai phép?

Bộ Xây dựng vừa có đề xuất ngừng cung cấp điện, nước cho công trình xây dựng vi phạm như một biện pháp ngăn cản người dân tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình vi phạm trong khi Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 139 năm 2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng đều không quy định biện pháp này.

Mới đây, trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ  về quản lý trật tự xây dựng Bộ Xây dựng lại đưa vào nội dung trên. Đề xuất này lập tức tạo ra những luồng dư luận trái chiều.

Không áp dụng cứng nhắc

Nhiều địa phương ở TP.HCM cho biết việc phát hiện, xử lý vi phạm trong xây dựng còn nhiều nhiêu khê, đặc biệt là thái độ bất hợp tác của người vi phạm và những quy định ngăn chặn khẩn cấp còn chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, trước giải pháp cắt điện, nước công trình vi phạm thì không phải phường, xã nào cũng hào hứng.

Theo ông Nguyễn Phước Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), với công trình xây dựng trái phép, việc cưỡng chế cắt điện, nước vẫn là một cách xử lý có hiệu quả cao. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải làm rất chặt chẽ, qua đủ các bước vận động, thuyết phục rồi mới phối hợp liên ngành để cưỡng chế.

“Hơn nữa điện, nước là nhu cầu thiết yếu, cắt điện, nước chỉ nên áp dụng đối với những công trình sai phạm nghiêm trọng mà thôi” - ông Bình nói.

Một công trình xây trái phép đang bị cưỡng chế tháo dỡ ở quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HTD

Quan điểm của đại diện phường Bình Hưng Hòa là địa phương phải có hướng ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu bằng cách giám sát chặt chẽ, báo cáo thường xuyên hằng tuần, hằng tháng từ khu phố, phát hiện có xây dựng trái phép là ngăn chặn ngay, không để công trình hoàn thành mới xử lý.

Đồng tình, ông Trương Ngọc Thanh Nhân, Chủ tịch UBND xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), cho biết việc cưỡng chế cắt điện, nước chỉ là giải pháp cuối cùng chứ không phải là biện pháp duy nhất. Xã thường chọn giải pháp tuyên truyền, giải thích những quy định pháp luật đến người dân, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng trường hợp cụ thể, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để hỗ trợ, làm sao để ngăn sai phạm nhưng không gây tác động lớn cho cuộc sống của người dân.

“Nếu việc cưỡng chế ảnh hưởng đến chỗ ở của dân thì xã sẽ tạo điều kiện hỗ trợ chỗ ở. Ngăn ngừa từ đầu sẽ đơn giản, thuận tiện hơn nhiều so với cưỡng chế về sau” - ông Nhân nhận định.

Khi phát hiện công trình sai phép, các biện pháp chế tài, ngăn chặn tức thời chưa chặt chẽ. Vì vậy, chủ đầu tư thường vẫn tiếp tục thi công, đến khi bị ra quyết định cưỡng chế thì sẽ chịu thiệt hại lớn. Vì vậy, việc cúp điện, nước cũng là để kịp thời khắc phục, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhắc nhở người dân. Từ đó, người dân sẽ ý thức tốt hơn về các quy định trong xây dựng. Chủ công trình sẽ buộc phải thực hiện hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo theo quy định của pháp luật. Nếu không làm nghiêm, ý thức chấp hành của người dân sẽ vẫn thấp, cuối cùng thiệt hại dân phải gánh chịu càng nhiều.

Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA, Phó Chủ tịch quận Gò Vấp 

Phải tránh xung đột với dân

Nhiều địa phương cho biết mặc dù khó khăn trong việc xử lý sai phạm trong xây dựng nhưng bộ máy đã có và còn nhiều công cụ chưa được tận dụng tối đa.

“UBND phường Bến Nghé luôn cử lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời công trình sai phép, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và cho thời gian để người dân tự khắc phục. Cúp điện, nước chỉ là biện pháp cuối cùng và vô cùng cấp bách” - đại diện phường Bến Nghé nhấn mạnh.

Quan điểm của các địa phương vẫn là làm mọi cách để không gây xung đột, căng thẳng với người dân. Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), cho rằng: “Vi phạm tới đâu xử lý tới đó chứ không nên cắt nhu cầu thiết yếu để dọa dân. Để tránh đẩy đến xung đột với dân thì phải siết chặt quản lý, hướng dẫn, giám sát từ khâu cấp giấy phép đến khi thi công; địa phương phối hợp với thanh tra xây dựng phát hiện sai phạm, hỗ trợ dân sửa sai theo đúng quy định… Các phương án này vừa giải quyết êm đẹp vừa tránh xung đột, tốn kém cho cả hai bên. Cuối cùng, việc cúp điện, nước chỉ là để đảm bảo an toàn trong quá trình cưỡng chế khắc phục sai phạm, tháo dỡ công trình, phần công trình sai phép chứ không phải để làm khó cho dân”.

Chỉ thị không thể trái luật

Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng không quy định biện pháp cắt điện, nước của các công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên, dự thảo chỉ thị của Thủ tướng lại “yêu cầu người có thẩm quyền ký hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước và các dịch vụ liên quan phải ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đúng thời hạn yêu cầu trong các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp có thẩm quyền”. Như vậy, nếu muốn các địa phương áp dụng biện pháp này thì trước tiên phải sửa luật, bởi nếu không thì chỉ thị đưa ra là hoàn toàn không phù hợp và không thể thực hiện. Chỉ thị của Thủ tướng là văn bản chỉ đưa ra các biện pháp đôn đốc thực hiện các quy định pháp luật chứ không được trái luật.

Ngoài ra, việc cung cấp điện, nước là cung cấp một dịch vụ theo nhu cầu và người dân là khách hàng của hai đơn vị cung cấp này. Đây là quan hệ dân sự, không phải quản lý nhà nước với người dân. Việc cắt dịch vụ chỉ khi khách hàng vi phạm những điều khoản trong hợp đồng chứ không thể vì vi phạm trật tự xây dựng mà lại ngưng cung cấp dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị cung cấp dịch vụ vi phạm hợp đồng.

Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍĐoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm