Hoa nở bung do thời tiết, hạ giá nhưng vắng khách mua
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024, không khí mua sắm Tết đã có phần sôi động hơn.
Dạo quanh các con phố Xuân Thuỷ (Cầu Giấy), Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm), Đông Các (Đống Đa)... sẽ không khó để bắt gặp hàng loạt các cửa hàng thời trang treo biển giảm giá từ 30%-70%.
Chị Tuệ Minh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết mọi năm chị mua sắm quần áo để diện Tết sớm hơn. Tuy nhiên, năm nay thưởng Tết giảm một nửa so với năm ngoái nên chị chờ sát Tết, khi các cửa hàng hạ giá mới đi mua.
Một chủ một cửa hàng quần áo trên phố Đông Các cũng cho hay, thời điểm này mọi năm các cửa hàng quần áo trên phố này đồng loạt giảm giá nên đường luôn đông nghẹt, đôi khi tắc đường. Khách muốn vào mua sắm phải gửi xe ở đầu phố để đi bộ.
Tuy nhiên, năm nay, lượng khách đến các cửa hàng mua hàng giảm hẳn. Nhiều cửa hàng giảm giá sâu nhưng chỉ lác đác khách mua.
Cùng cảnh ngộ, thị trường hoa Tết năm nay cũng được đánh giá là ế ẩm. Chỉ còn 4 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng trên các tuyến phố Hồ Tùng Mậu, Lạc Long Quân... vẫn la liệt hoa đào, cây quất bày bán trên vỉa hè.
Theo ghi nhận, nhiều chủ cửa hàng, đầu mối kinh doanh nhận định năm nay thời tiết bất lợi, nhuận hai tháng 2 âm lịch, nắng mưa thất thường nên việc chăm sóc hoa gặp nhiều khó khăn, lượng hoa cung ứng ra thị trường ít hơn năm ngoái.
Nhiều chủ cửa hàng cũng cho biết, do suy thoái kinh tế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, người mua cắt giảm chi tiêu nên điểm kinh doanh hoa Tết năm nay cũng giảm về số lượng.
Đặc biệt, đào, mai, quất là những mặt hàng giảm giá rõ rệt do thời tiết nắng ấm. Đến nay, hoa đào đã nở bung khiến giá hạ khá nhiều. Nhiều cành giá 2-3 triệu đồng nhưng giảm xuống chỉ còn 1 triệu hoặc dưới 1 triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ.
Anh Tuân, chủ quầy bán đào trên phố Hồ Tùng Mậu, cho biết anh bày cả trăm cành nhưng chỉ lác đác người mua, sức mua chỉ mạnh vào dịp trước ngày 23 Tết. "Còn giờ sức mua khá yếu dù giá đã hạ khá sâu", anh Tuân nói.
Chủ cửa hàng Lan Hồ Điệp trên phố Phạm Văn Đồng cho biết, hoa được lấy chủ yếu từ Đà Lạt. Mặc dù Tết Nguyên đán năm nay cửa hàng chỉ nhập bằng một nửa số lượng hoa so với năm ngoái nhưng vẫn bán rất chậm.
Đến lúc này, hầu hết chủ cửa hàng hoa, cây cảnh đều như "nằm trên đống lửa" vì Tết cận kề và hoa đã nở bung nhưng không tìm được khách mua. Nhiều người mong bán được hàng để thu hồi vốn chứ không nghĩ đến lợi nhuận trong mùa kinh doanh này.
Giá thực phẩm tăng nhẹ
Tại các chợ truyền thống như Đồng Xa (Bắc Từ Liêm), Thành Công (Ba Đình), Ngọc Hà (Ba Đình)... giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng nhẹ từ 5-10% so với trước.
Các mặt hàng đặc trưng, phục vụ nhu cầu dịp Tết tăng 10-15%; các loại trái cây nhập khẩu như táo, cam, quýt... tăng khoảng 20-30%.
Chị Thu, tiểu thương bán thuỷ hải sản tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng), cho biết nhu cầu mua cá dịp Tết tăng đáng kể nên giá cũng tăng nhẹ. "Mấy ngày sát Tết, cá chép giòn được nhiều người mua nên có giá thay đổi theo ngày. Cách đây 3 ngày giá 160.000 đồng/kg nhưng hôm nay giá 170.000 đồng/kg", chị Thu nói.
Chị Lan (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cận Tết giá nguyên liệu và gia vị đều tăng do sức mua tăng. "Đến các loại gia vị như chanh, quất, ớt... cũng tăng. Bình thường tôi chỉ cần mua với giá khoảng 20.000 đồng là gia đình đã đủ dùng, nhưng hôm nay phải mua đến 30.000 đồng".
Cạnh đó, các mặt hàng khô như miến, măng, mộc nhĩ cũng tăng. Cụ thể, măng miếng nứa rừng tăng từ 280.000 đồng lên 310.000 đồng/kg; măng sợi nứa rừng tăng từ 170.000 đồng lên 190.000 đồng/kg. Mộc nhĩ có giá 180.000 đồng-220.000 đồng/kg, miến có giá 160.000 đồng/kg.