Sáu chương trình nhằm giảm sử dụng túi nylon

Chúng ta ai cũng biết túi nylon khó phân hủy, tồn lưu lâu trong môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, kênh rạch, mất diện tích bãi chôn lấp… Tuy nhiên, vì đặc tính loại túi này bền, rẻ, tiện lợi nên dường như người ta vẫn sử dụng mà phớt lờ những tác hại trên. Thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM cho biết qua khảo sát tại thành phố, túi nylon hiện được dùng rất phổ biến, thậm chí trên mức cần thiết. Nhiều nhất là tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ mục tiêu. Đến năm 2015, giảm 40% khối lượng túi nylon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010. Tỉ lệ này vào năm 2020 là 65%. Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Đề án xác định đến năm 2015 giảm 40% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 20% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom, tái chế 25% khối lượng chất thải túi nylon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Đến năm 2020 các tỉ lệ này lần lượt là 65%, 50% và 50%.

Ấn dấu vân tay cam kết giảm sử dụng túi nylon tại ngày hội túi xanh do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức năm 2013. Ảnh: NGỌC CHÂU

Năm 2013, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với UBND quận Bình Thạnh triển khai thí điểm chương trình giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn TP. Mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng và thải bỏ không đúng túi nylon. Chương trình nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của người dân, tiểu thương, tổ chức cá nhân bán lẻ. Từ kinh nghiệm này, Sở tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn TP.HCM năm 2014 với sáu công việc trọng tâm như sau:

Thứ nhất, Sở sẽ tiến hành khảo sát nhằm đánh giá hiệu quả chương trình cũng như việc thực hiện đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường. Nội dung bao gồm sự thay đổi về nhận thức, hành vi sử dụng, thải bỏ túi nylon. Đối tượng tham gia là người dân, đơn vị bán lẻ.

Thứ hai, là xây dựng tư liệu tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi nylon qua cuộc thi ảnh Vấn nạn túi nylon; xây dựng cẩm nang Giảm sử dụng túi nylon.

Thứ ba, là tập huấn tuyên truyền viên nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt tại quận 5. Đối tượng tham gia là các em thiếu nhi, học sinh nòng cốt của các trường trên địa bàn quận; cán bộ phường, ban điều hành khu phố, hội viên các đoàn thể, câu lạc bộ… Nội dung tập huấn hướng vào hiện trạng sử dụng, tác hại, giải pháp giảm sử dụng túi nylon; cách thức tuyên truyền đến các đối tượng liên quan; thực hành làm túi giấy, túi sử dụng nhiều lần…

Thứ tư, vận động người dân giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn quận 5. Chương trình sẽ là cầu nối giữa các đơn vị sản xuất túi thân thiện môi trường và nhà bán lẻ. Đồng thời hỗ trợ nhà bán lẻ chuyển sang túi thân thiện môi trường, vận động cam kết không sử dụng túi nylon; phát tài liệu tuyên truyền cho khách hàng…

Thứ năm, Sở đồng loạt triển khai các hoạt động tuyên truyền cho Tuần nói Không với túi nylon trên địa bàn quận 5. Song song đó là nhiều hoạt động trọng điểm như tổ chức cuộc thi dành cho các đoàn thể; hộ gia đình, nhà bán lẻ cam kết giảm sử dụng túi nylon… Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 22-9.

Thứ sáu, Sở phối hợp UBND quận 5 tổ chức Ngày hội túi xanh vào ngày 14-9. Nội dung gồm có khu vực triển lãm hình ảnh, bài viết về tác hại túi nylon; hướng dẫn sắp xếp túi giấy, giới thiệu các sản phẩm túi thân thiện môi trường; tham gia trò chơi; thu gom túi nylon đã qua sử dụng…

Thông qua các hoạt động trên, Sở TN&MT TP.HCM mong muốn mỗi cá nhân trong cộng đồng từng bước ý thức tác hại của túi nylon. Qua đó, từng hành động nhỏ sẽ phần tạo nên một hiệu ứng rất lớn để môi trường ngày càng xanh hơn.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm