Chiều 23-3, BS Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết HCDC quản lý và điều hành mọi hoạt động trong khu cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM trong thời gian tiếp nhận người thực hiện cách ly để phòng COVID-19.
“Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM có nhiều khu. Hiện HCDC tiếp nhận khu A với quy mô khoảng 7.000 giường. Khu A gồm nhiều lô, mỗi lô giao một bệnh viện hoặc trung tâm y tế quản lý và chăm sóc người thực hiện cách ly.
Hiện một số bệnh viện tham gia công việc nói trên bao gồm: Đa khoa khu vực Thủ Đức, quận Thủ Đức, Từ Dũ, Mắt, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu và trung tâm y tế của các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức” - BS Thành cho biết thêm.
Nhiệm vụ nhân viên y tế là quản lý, chăm sóc sức khỏe, truyền thông… hằng ngày cho người thực hiện cách ly. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh TP.HCM là đơn vị phối hợp có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh khử khuẩn, thu gom rác, lau chùi sàn nhà và tay vịn cầu thang… trong khu vực cách ly.
Chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM nhận đồ tiếp phẩm từ ngoài gửi cho người được cách ly. Ảnh: NY
“Chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM còn có nhiệm vụ mang hộ hành lý của người cách ly lên phòng, đem thức ăn ngày ba bữa để trước cửa phòng người cách ly, nhận đồ tiếp phẩm từ bên ngoài gửi cho người thực hiện cách ly…” - BS Thành nói.
BS Thành cho biết việc nhận đồ tiếp phẩm (bánh trái, đồ đạc cá nhân…) từ bên ngoài gửi cho người thực hiện cách ly đang có vấn đề gút mắc, cần giải quyết sớm.
“Hiện đồ tiếp phẩm bên ngoài liên tục gửi tới người cách ly, gây tiêu tốn nhiều thời gian cho các chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM. Hôm nay, HCDC sẽ tham mưu Sở Y tế TP.HCM ra văn bản chỉ cho phép tiếp phẩm hai lần trong suốt thời gian cách ly (14 ngày). Bởi lẽ những người thực hiện cách ly đã được đảm bảo hằng ngày ba bữa ăn, được cung cấp đầy đủ những mặt hàng thiết yếu như mùng, mền, chiếu, gối, khăn tắm, bàn chải, xà phòng…” - BS Thành nói thêm.
BS Thành còn cho biết trước khi tiếp nhận người cách ly, vì thời gian gấp gáp, chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM phải dọn dẹp, khuân vác đồ đạc của sinh viên ra ngoài rồi lau chùi phòng ốc. Chưa được nghỉ ngơi, ngay khi bắt đầu tiếp nhận người cách ly, chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM lại nhận nhiệm vụ hướng dẫn và mang giúp hành lý người cách ly lên phòng. Công việc liên tục tiếp nối đã bào mòn không ít sức lực của chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM đến nỗi ăn không hết ổ bánh mì, nằm ngủ trên vỏ thùng giấy.
“Nhân viên y tế cũng vậy, vừa nhận nhiệm vụ là lao vào công việc sàng lọc người cách ly. Tiếp theo, mỗi ngày hai lần đo thân nhiệt người cách ly. Hiện 100 nhân viên y tế phải chăm sóc gần 2.000 người cách ly nên công việc dường như không dứt. Chưa hết, nhân viên y tế còn phải từ tốn, mềm mỏng giải thích những thắc mắc, yêu cầu của người cách ly nên áp lực công việc không nhỏ, buông ra chỉ muốn tìm chỗ nghỉ ngơi” - BS Thành chia sẻ.
Theo BS Thành, do số người cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM quá đông nên nguy cơ lây bệnh COVID-19 là điều có thể xảy ra. Do vậy, nhân viên y tế hướng dẫn người cách ly tuân thủ các biện pháp tự bảo vệ mình. Chẳng hạn, thường xuyên mang khẩu trang, giữ khoảng cách trên 1 m, người phòng này không qua phòng kia…
“Người đang thực hiện cách ly bị sốt thì chuyển xuống phòng theo dõi. Sau đó, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh thì HCDC chuyển tới bệnh viện điều trị và lấy mẫu xét nghiệm. Một điều lưu ý, những người ở chung với ca nghi nhiễm tuyệt đối không ra khỏi phòng và có người giám sát” - BS Thành nói.