Ngày 18-10, Sở GTVT TP.HCM và Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã tổ chức hội thảo Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) và khung kiến trúc dữ liệu ngành GTVT TP.HCM.
Dịp này, các thông tin về định danh phương tiện, người điều khiển phương tiện, dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Định danh từng phương tiện, người điều khiển
Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT chia sẻ CSDL dùng chung là của Bộ GTVT. Dữ liệu có vai trò quan trọng, được thực hiện xuyên suốt để phân tích dự báo, tạo lập số liệu hỗ trợ cho các quyết định chính sách và phục vụ công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.
Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó có CSDL nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành. Từ đó, cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.
Hiện nay, để quản lý xuyên suốt các nghiệp vụ của ngành GTVT phải hoàn thành 4 bộ CSDL dùng chung, 5 lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Cụ thể, ngành GTVT hoàn thành số hóa dữ liệu, tích hợp dữ liệu để hình thành CSDL dùng chung đối với 3 bộ CSDL. Đó là kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải.
Ngành giao thông đã số hóa được kết cấu hạ tầng giao thông, lộ trình kết cấu hạ tầng giao thông theo số liệu thu thập được hàng năm từ đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa đối với các dự án do trung ương quản lý và những dự án cấp tỉnh thành do các địa phương thực hiện.
Ngành giao thông cũng sẽ "định danh" các phương tiện. Hiện nay muốn theo dõi một chiếc ô tô từ lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy cần định danh lại phương tiện.
Ngành giao thông cũng sẽ số hóa các phương tiện từ đường bộ, hàng hải và hàng không. Tuy nhiên, số liệu phương tiện thủy nội địa S1 và S2 vẫn chưa triển khai được.
Tương tự, người điều khiển phương tiện cũng được số hóa trên cả 5 lĩnh vực. Riêng việc số hóa người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa đang triển khai. Cạnh đó, ngành giao thông sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để số hoá, định danh và phối hợp với Bộ Công an để cung cấp thông tin qua ứng dụng VNeID...
"Khi có hệ thống thông tin, CSDL dùng chung sẽ dễ dàng quản lý các nhóm đối tượng trên toàn quốc, có phân cấp và uỷ quyền trên từng địa phương. Trong quá trình xây dựng, các Sở GTVT sẽ xây dựng và quản lý trên từng địa phương và chia sẻ với dữ liệu của Bộ GTVT để dễ dàng quản lý và sử dụng chung trên toàn quốc.
Vì vậy, tôi mong rằng các địa phương đẩy mạnh kết nối dữ liệu, tích cực sử dụng dữ liệu. Riêng TP.HCM là đô thị lớn hàng đầu của cả nước, nếu TP hoàn thành công tác dữ liệu này thì gần như công tác xây dựng CSDL cũng gần hoàn thành" - ông Tùng nhấn mạnh.
Có dữ liệu nhưng khai thác và chuẩn hoá vẫn chưa được tập trung phát triển
Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP.HCM là đô thị đặc biệt với mật độ dân số cao, tạo áp lực lớn đối với giao thông. Hiện diện tích đất cho giao thông chiếm khoảng 14%, với khoảng 13 triệu dân.
Để ứng dụng giao thông thông minh phục vụ quản lý, việc điều khiển giao thông được TP triển khai thông qua nhiều giải pháp. Cụ thể, qua camera giám sát giao thông; điều khiển giao thông thông qua 216 tủ tín hiệu giao thông; cổng thông tin giao thông thông qua 74 bảng tin giao thông điện tử; hỗ trợ xử lý vi phạm với 9 vị trí kiểm soát tốc độ, 6 trạm kiểm soát tải trọng; mô phỏng dự báo giao thông với 959 vùng, 17 vùng đặc biệt và 20 ngoại vùng lân cận...
Hiện trạng ngành giao thông TP.HCM có 4 dữ liệu gồm: dữ liệu giao thông đường bộ, dữ liệu giao thông đường thuỷ, dữ liệu vận tải đường bộ, dữ liệu chuyên ngành tại Sở GTVT.
Đối với dữ liệu giao thông đường bộ gồm có: dữ liệu quan trắc giao thông, nhu cầu đi lại; dữ liệu hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; dữ liệu kịch bản điều khiển giao thông; dữ liệu công trình thi công, tai nạn giao thông; dữ liệu công trình đường bộ, cầu đường bộ; dữ liệu không gian đèn tín hiệu, biển báo, camera, VMS...
Ông Tấn cho biết hiện vẫn còn nhiều thách thức trong việc xây dựng dữ liệu và khai thác dữ liệu lớn. Cụ thể, trên cơ sở hiện trạng dữ liệu ngành giao thông hiện nay, nhìn chung chúng ta đang có dữ liệu nhưng việc khai thác chọn lọc và chuẩn hóa dữ liệu vẫn chưa được tập trung phát triển.
Do đó, một số vấn đề cấp thiết đặt ra nhằm xây dựng trung tâm dữ liệu ngành giao thông đã được đặt ra.
Thứ nhất là công nghệ, khung kiến trúc tổng thể trung tâm dữ liệu theo kiến trúc hạ tầng số của Sở GTVT đảm bảo phù hợp kiến trúc Bộ GTVT.
Thứ hai là quy trình, mối quan hệ ràng buộc thông tin, phương thức chia sẻ dữ liệu quản lý các nghiệp vụ cơ bản trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ ba, hướng dẫn kỹ thuật quy định cấu trúc thông tin, định dạng dữ liệu, giao thức chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống CSDL từ các hệ thống thu thập dữ liệu cơ sở, trung tâm dữ liệu ngành đến cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ tư là dữ liệu chưa được chuẩn hóa và cập nhật thường xuyên nên việc sàng lọc, khai thác, chia sẻ dữ liệu gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, để mang lại hiệu quả cần xây dựng chiến lược tổng thể, kiến trúc dữ liệu ngành giao thông TP.HCM. Cụ thể gồm khung kiến trúc tổng thể, khung kiến trúc tham chiếu, kiến trúc hạ tầng công nghệ thông tin, quy chế cập nhật khai thác dữ liệu.
"Đặc biệt cần xây dựng quy chế, nhân sự cập nhật dữ liệu, khai thác dữ liệu. Từ đó để đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật, chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn, quy định được Bộ GTVT ban hành và sẵn sàng trong công tác chia sẻ và khai thác dữ liệu" - ông Tấn nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết việc tạo lập, hình thành CSDL ngành GTVT đã được Bộ GTVT, UBND TP.HCM xác định là nhiệm vụ then chốt, mang ý nghĩa chiến lược trong công cuộc thúc đẩy công tác chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào mục tiêu (tầm nhìn đến năm 2030) là hình thành, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu ngành GTVT.
CSDL nền tảng dùng chung được kết nối, nguồn dữ liệu cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác, có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.