Ngày 8-3, TP.HCM tổ chức hội nghị duyệt kế hoạch công tác năm 2021 của Sở GTVT. Theo đó, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã đưa ra nhiều góp ý quan trọng đối với kế hoạch trọng tâm của ngành giao thông TP năm 2021 và những năm tới.
Năm 2021, ngành giao thông sẽ ưu tiên các dự án kết nối liên vùng nhằm giảm kẹt xe cho các tuyến huyết mạch và khu vực cửa ngõ. Ảnh: THU TRINH
Nhiều dự án kết nối liên vùng
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Đối với kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng năm 2021, sở sẽ phối hợp với Sở QH-KT, UBND TP Thủ Đức rà soát, tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, ngành giao thông sẽ chú trọng những dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực của TP và kết nối liên vùng giữa TP với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, góp phần giảm tải mật độ giao thông trên các trục huyết mạch và cửa ngõ TP.
Theo ông Lâm, sở cũng sẽ phối hợp với Sở GTVT các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm. Đó là các dự án đường vành đai 3, vành đai 4, cầu Cát Lái, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang; tỉnh lộ 25C kết nối TP.HCM - Nhơn Trạch - sân bay Long Thành; nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức...
Ngoài ra, ngành giao thông sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án kết nối liên vùng, kết nối khu - cụm công nghiệp và khu chế xuất, cảng biển; các dự án hạ tầng phục vụ phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông - TP Thủ Đức; các dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất...
Đồng thời, sở cũng đưa ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2, vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; cầu vượt Bến xe Miền Đông mới, đường Nguyễn Hữu Cảnh, tăng cường kết nối xe buýt với tuyến metro số 1...
Về các dự án metro, Sở GTVT hỗ trợ, phối hợp với Ban quản lý đường sắt đô thị phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 trong năm 2021, khởi công tuyến metro số 2 trong năm 2021. Tiếp theo là xúc tiến đẩy nhanh việc huy động nguồn vốn để đầu tư các tuyến metro số 3b, 4, 5,…
Giám đốc Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở KH&ĐT sớm tham mưu giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư 15 dự án giao thông trọng điểm, cấp bách và sáu chương trình với tổng mức đầu tư 100.000 tỉ đồng.
Trước mắt, Sở GTVT đề xuất UBND TP giao vốn cho sở thực hiện công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với 15 dự án trọng điểm trong năm 2021 là 26,10 tỉ đồng và sáu chương trình đầu tư công là 1,2 tỉ đồng.
Cũng nên tính toán các dự án đường trên cao
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công nhân viên ngành giao thông TP. Ông Bình cơ bản thống nhất chương trình nhiệm vụ của Sở GTVT đặt ra trong năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Bình, Sở GTVT cần lên chiến lược chi tiết, thể hiện những nhiệm vụ trọng tâm năm năm tới. Trong đó, ngành giao thông cần ưu tiên hàng đầu ba vấn đề là kết nối nội đô; kết nối liên vùng và triển khai các đường vành đai.
Theo đó, ông Bình đề nghị Sở GTVT nghiên cứu cốt nền đường giao thông gắn quy hoạch đô thị. Bởi việc này liên quan lập quy hoạch điều chỉnh giao thông TP.HCM, theo kế hoạch thông qua năm 2022. Vì vậy, ngành giao thông cần có những đánh giá, góp ý ở từng khu vực cụ thể.
“Ngoài ra, việc chuyển đổi lực lượng xe rác dân lập, Sở TN&MT chủ trì thì Sở GTVT chủ động xem xét quy mô đường và loại xe chuyển đổi như thế nào sẽ đạt tiêu chuẩn, làm sao cho văn minh. Khi nào lực lượng thu rác cảm thấy đủ điều kiện phù hợp, đủ thu bù chi thì họ sẽ làm. Do đó, hai sở cần tính toán để nhanh chóng chuyển đổi” - ông Bình nói.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính, Sở KH&CN khẩn trương thẩm định, bố trí kinh phí để Sở GTVT thực hiện một số đề án quan trọng. Điển hình như đề án kiểm soát và hạn chế hoạt động vận tải hàng hóa trên đường bộ vào ban ngày (chuyển hoạt động vào ban đêm), đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trong khu vực nội thành… |
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng: Metro sắp khởi động thì đường trên cao Sở GTVT nên tính toán để khởi động. “Quy hoạch đường trên cao có rất nhiều như đường Nguyễn Văn Trỗi với sân bay, đường Nguyễn Văn Linh vào trung tâm TP, đường Võ Văn Kiệt… vẫn chưa được khởi công” - ông Bình nhận định.
Tám quận, huyện cửa ngõ chiếm 60%-70% về tai nạn giao thông Liên quan đến tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TP, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT), cho hay: Năm 2020, TP đã kéo giảm được tình hình tai nạn giao thông trên ba mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương), đặc biệt số người chết giảm hơn 10% vào cuối năm. Tuy nhiên, vào hai tháng đầu năm 2021, tình hình tai nạn giao thông có dấu hiệu tăng cao tại khu vực cửa ngõ TP như huyện Củ Chi, Bình Chánh... Ban ATGT đã thành lập đoàn làm việc với các quận, huyện này để họp bàn kế hoạch kéo giảm tình hình tai nạn giao thông. Trong đó, Ban ATGT xác định công tác tuyên truyền là trọng tâm bởi 90% tai nạn giao thông là do ý thức của người dân. Hiện tám quận, huyện ở các cửa ngõ đã chiếm 60%-70% về tai nạn giao thông. Ban ATGT kiến nghị tăng cường tuyên truyền cho người dân lưu thông qua các tuyến đường thường xuyên có tai nạn giao thông như quốc lộ 1, quốc lộ 50… “Năm 2021, TP nên có những rà soát, lắp đặt các thiết bị như cần dương, màn hình chữ to, giá long môn tại vị trí cần thiết…” - ông Tường đề xuất. |