Ngày 3-10, Viện KSND tỉnh Phú Yên cho biết cơ quan này đã ra cáo trạng truy tố, chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh này để xét xử tám bị can cùng tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số tám bị can bị truy tố có bốn cán bộ của Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô (100% vốn nhà nước, thuộc sở hữu UBND tỉnh Phú Yên), gồm: Nguyễn Minh, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc; Ngô Minh Dũng, nguyên Kế toán trưởng; Nguyễn Trần Phong, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cảng Vũng Rô tại TP.HCM; Huỳnh Thành, nguyên Phó phòng Kế toán Chi nhánh TP.HCM; Nguyễn Vũ Thùy Trang, thủ quỹ Chi nhánh TP.HCM; ba cán bộ Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Lộc gồm Triệu Vũ Khiêm, Giám đốc; Phạm Nhiêm, Kế toán trưởng; Hồ Thị Hằng, thủ quỹ.
Trụ sở Công ty Cảng Vũng Rô cũng bị ngân hàng đề nghị phong tỏa tài sản để thu hồi nợ. Ảnh: TẤN LỘC
Cáo trạng cho biết trong quá trình điều hành Công ty Cảng Vũng Rô, từ tháng 5-2001 đến năm 2013, Nguyễn Minh đã dùng vốn của nhà nước thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Lộc (có địa chỉ tại khu công nghiệp Đồng An, thị xã Thuận An, Bình Dương).
Để che mắt cơ quan chức năng, Minh nhờ người cháu của mình là Triệu Vũ Khiêm (ngụ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, Phú Yên) đứng tên đăng ký kinh doanh với chức danh giám đốc. Thông qua Nguyễn Vũ Thùy Trang, Minh mượn tiền của Công ty Cảng Vũng Rô để kê khai cho Công ty Đại Lộc hoạt động theo loại hình công ty TNHH có hai thành viên góp vốn, gồm Triệu Vũ Khiêm và ông Nguyễn Duy Hùng (chồng của Nguyễn Vũ Thùy Trang). Theo kê khai, Khiêm và ông Hùng mỗi người góp 200 triệu đồng nhưng trên thực tế cả hai người này không hề góp vốn mà đều do Minh nhờ đứng tên.
Sau khi thành lập công ty “sân sau”, với sự thông đồng, tiếp sức của phó giám đốc, kế toán trưởng Công ty Cảng Vũng Rô, Nguyễn Minh ra sức tuồn vốn của nhà nước cho Công ty Đại Lộc. Hầu hết nguồn vốn của Công ty Cảng Vũng Rô đều tập trung vào việc mua bán vải sợi với Công ty Đại Lộc. Sau khi sản xuất ra vải, Công ty Đại Lộc bán thành phẩm lại cho Công ty Cảng Vũng Rô. Để tiếp vốn cho Công ty Đại Lộc, Nguyễn Minh đã thế chấp toàn bộ tài sản nhà nước để vay vốn ngân hàng, trong đó có hai hợp đồng vay vượt 30% giá trị tài sản nhưng chưa được sự chấp thuận của đại diện chủ sở hữu là UBND tỉnh Phú Yên.
Trong các thương vụ giữa hai công ty, Nguyễn Minh tự đặt ra nhiều điều khoản có lợi cho Công ty Đại Lộc như giá trên hợp đồng, phụ lục hợp đồng, hóa đơn khác nhau, được trả tiền sau 150 ngày kể từ khi nhận hàng…
Mặc dù bị Công ty Đại Lộc nợ hàng chục tỉ đồng nhưng Công ty Cảng Vũng Rô vẫn cố tình không thu hồi nợ. Hơn thế, Công ty Cảng Vũng Rô đã vay 107,6 tỉ đồng rồi giao hết cho Công ty Đại Lộc, trong khi công ty này đang nợ Công ty Cảng Vũng Rô tiền mua sợi với giá trị rất lớn nhưng không khấu trừ. Đến nay, Công ty Đại Lộc còn nợ Công ty Cảng Vũng Rô 50 tỉ đồng nhưng đã ngừng hoạt động, không còn khả năng trả nợ.
Để che giấu khoản nợ này, Nguyễn Minh cùng các đồng sự của hai công ty này đã thông đồng ký các hợp đồng thế chấp tài sản, hàng hóa trái quy định như hàng hóa không còn trên thực tế, máy móc thế chấp không còn giá trị, sử dụng chứng thư không có giá trị, hợp đồng không có chứng thực… Theo xác định của cơ quan điều tra, Nguyễn Minh cùng các bị cán khác đã gây thiệt hại đối với nhà nước hơn 37 tỉ đồng.