Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ở mức 65% trong 3 năm đầu
Phát biểu tại hội thảo "Góp ý hoàn thiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi" do VCCI tổ chức sáng 11-7, ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) cho rằng, ngành bia hiện có vai trò cực lớn, nhất là với các nhà máy đặt tại địa phương, đóng góp đáng kể cho kinh tế vùng và địa phương, đảm bảo an sinh và nộp góp ngân sách nhà nước khoảng gần 60 nghìn tỉ đồng/năm.
Do đó, ông Phúc lo ngại, áp thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi trong hệ sinh thái ngành, từ sản xuất nông nghiệp, bao bì, dịch vụ, du lịch, kinh tế đêm...
"Giãn lộ trình tăng thuế là cần thiết nhất cho doanh nghiệp, là cách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang trên hành phục hồi sau giai đoạn khó khăn dài vừa qua", ông Phúc nhấn mạnh.
Đại diện Heineken Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng độ co giãn của cầu theo giá trong trường hợp này, vì khi thuế TTĐB tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo, kéo theo việc giảm sản lượng tiêu thụ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp trong ngành.
Song, ông Phúc nhấn mạnh, với biểu thuế TTĐB hiện tại, có thể thấy sự bất hợp lý khi rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ chịu mức thuế TTĐB 35%, trong khi bia với nồng độ cồn dưới 12% lại phải nộp thuế TTĐB 65%.
"Điều này thiếu công bằng trong chính sách thuế. Do đó, Bộ Tài chính cần xem xét lại mức thuế áp dụng cho các sản phẩm đồ uống có cồn sao cho phù hợp với nồng độ cồn của từng loại".
Ông Phúc đề xuất cải cách biểu thuế TTĐB đối với bia, chia theo các mức nồng độ cồn. Cụ thể, sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống, áp thuế 65%. Sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 5,5% đến dưới 15%, áp thuế 70%. Sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 15%, áp thuế 75%.
Về mức tăng và lộ trình tăng thuế, ông Phúc kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực. Sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 3-5% mỗi lần.
Nếu áp thuế, ngành sản xuất kinh doanh nước giải khát thiệt hại gần 4 nghìn tỉ
Trong khi đó, doanh nghiệp sản suất nước giải khát cũng không ít băn khoăn.Ông Nguyễn Duy Hưng - Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Tân Hiệp Phát - cho biết nhất trí với mục tiêu ngăn ngừa béo phì và tăng thu ngân sách như trong dự thảo. Tuy nhiên, ông Hưng lo ngại, liệu mục tiêu này có đạt được qua việc áp thuế không, có công bằng không, trong khi doanh nghiệp sản xuất cầm chắc ảnh hưởng mà hành vi người tiêu dùng chưa chắc đã thay đổi theo hướng tích cực.
Về khía cạnh tăng thu thuế như dự thảo Luật đề cập, ông Hưng cho rằng, tăng thu được hay không, không chỉ dựa vào số thu tăng thêm của phần thuế đó mà phải tính cả hiệu quả chung của toàn xã hội, doanh nghiệp và các thành phần khác có liên quan.
Theo tính toán, nếu áp thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường, ngành sản xuất kinh doanh nước giải khát thiệt hại 3.664 tỉ đồng, doanh nghiệp càng áp lực hơn về tài chính, có thể gia tăng số lao động mất việc làm, giảm thu nhập.
"Đầu tư cho sản xuất nước giải khát cần nguồn vốn cực lớn. Chúng tôi đầu tư hơn 300 triệu USD cho 12 dây chuyền trên cả nước, nếu áp thuế 10% thì khó chồng khó, các kế hoạch dài hạn lập trừ trước sẽ không ứng phó được, chưa kể tác động đến 700 nghìn nhà phân phối, hàng triệu hộ nông dân trồng trà, ảnh hưởng tiêu cực tới cả chuỗi sản xuất", ông Hưng nêu dẫn chứng.
Bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế
Góp ý về các chính sách thuế TTĐB, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học Viện Tài chính) đề xuất, một là, mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa dịch vụ như sản phẩm thuốc lá mới.
Hai là, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế. Ba là, quy định về biểu thuế, mức thuế TTĐB (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia.
Bốn là, mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế TTĐB. Năm là, quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan.