Cùng là ly cà phê, ở quán cóc hè phố có khi đậm hơn một xíu thì giá là 15.000 đồng còn ở trên tầng 7 mát lạnh với tiếng nhạc nhẹ và được phục vụ tận tình mà nhạt hơn một tẹo lại có giá là 30 – 50.000 đồng, bạn đã rất nhiều lần sẵn sàng trả gấp đôi, gấp ba cho ly cà phê ấy. Vì sao lại thế? Chắc bạn biết rồi đấy, vì khách hàng mua hai điều đó là: chất lượng và cảm giác. Sếp của bạn cần một nhân viên chất lượng nhưng cũng cần cảm giác thoải mái, tin tưởng, dễ chịu khi làm việc với nhân viên ấy. Thế nên, cũng như ly cà phê kia, có khi chất lượng kém hơn một xíu nhưng cảm giác thoải mái, sung sướng bù lại được và sếp bạn sẵn sàng trả giá cao hơn cho điều đó.
Nhưng chất lượng của sản phẩm vẫn phải đặt lên hàng đầu và quan trọng hơn cả chứ. Cứ có cảm giác thoải mái sung sướng rồi chất lượng kém dần đi thì gây tổn hại cho công ty mất?
Bạn nói chính xác đấy, chất lượng của sản phẩm là điều quan trọng, một ly cà phê không khác nước lọc là mấy thì có lên tầng 7 hay tầng 9 lộng gió cũng chẳng ai muốn uống, nhưng ly cà phê đã chất lượng rồi thì lại nên cho thêm ít gió, ít mát mẻ kèm vào, khi đó nó đắt giá phải biết. Bạn đã làm việc chất lượng thế rồi, sao bạn không có thêm những lời khen, những niềm vui để sếp được cả chất lượng và cảm giác tốt khi làm việc với bạn. Sếp bạn và kể cả ai đi chăng nữa, chắc cũng rất mong muốn có một cộng sự như vậy bên mình. Giá của bạn lúc đó sẽ cao hơn rất nhiều đấy.
Bạn cứ khen đúng những điểm tốt thật của sếp (Ảnh minh họa)
Tôi không thích nịnh nột người khác, nó cứ giả tạo làm sao ấy. Tôi nói ra mấy lời nịnh nọt là thấy sượng mồm lắm. Làm gì thì cũng phải thực chất chứ, ai mà cứ bịa ra chuyện nịnh sếp mãi được?
Bạn thử tưởng tượng, một em bé đang tập nói, em bé ấy tập tọe gọi “má” nhưng chưa sõi nên thành “ma”. Bà mẹ khi đó làm gì? Bà khen con: “Con giỏi quá, con gọi được má rồi này cả nhà ơi. Con gọi má nào, má chứ không phải “ma” con nhé, giỏi nào”. Hay bà mẹ quát con rằng: “Ma cái gì mà ma, bằng tuổi con cái Hằng ở hàng xóm nó gọi cả ba cả bà rồi, má chứ ma cái gì mà ma, sai toét”. Rồi khi em bé tập đi cũng vậy, người lớn thường khen ngợi, có khi khen hơi quá lên một chút, nhưng cũng nhờ vậy mà em bé tiếp tục tập nói, tập đi rồi từ đó mới nói sành sõi và chạy nhảy được.
Việc khen ngợi ấy tôi cứ tưởng bạn đã quen từ hồi bé rồi chứ nhỉ? Rất có thể là lâu lắm rồi bạn không khen ngợi ai nên thấy ngường ngượng cũng phải. Như khi bạn chuyển từ ăn bột lên ăn cơm, hay chuyển từ nắm tay sang ôm hôn bạn trai mình vậy. Đầu tiên bao giờ chả ngượng chết đi được, thấy nó cứ làm sao ấy, thế rồi khi quen thì lại thấy việc đó hết sức bình thường.
Khen ngợi và khích lệ khác với nịnh nọt. Mỗi lời khen, giống như một món quà tinh thần làm người khác phấn chấn lên, điều đó có gì là xấu đâu, miễn là lời khen phải có sự thật và chân thành trong đó.
Bạn cứ khen đúng những điểm tốt thật của sếp. Ngay cả câu khen: “Chưa bao giờ thấy cô gái nào xinh như thế này”, hoặc “Chưa bao giờ thấy cô nào thông minh như thế này”, bạn nghĩ nó hơi lố đúng không? Nhưng điều đó lại không sai sự thật đâu, vì có thể có nhiều cô xinh và thông minh hơn cô ấy nhưng xinh, thông minh “như thế” thì đúng là chỉ có cô ấy thôi, đâu có cô nào giống cô ấy ở trên đời này đâu.
Khi bạn đã quen với những lời khen rồi thì bạn sẽ nhanh chóng nhìn ra được những điểm thật sự đáng khen ở sếp mình và cả những người xung quanh nữa. Chỉ khen sếp không thôi đúng là mang tiếng nịnh nọt, nhưng nếu bạn có một cái nhìn tích cực, nhìn ra được điểm đáng khen của những người xung quanh mình, thì bạn sẽ thấy mọi người hết sức đáng yêu.