Trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 11-4, có bài viết “Ngăn chặn khai man, ngừa lạm quyền trong thuế chuyển nhượng nhà đất”. Bài viết thông tin về việc Cục Thuế TP.HCM và cục thuế của các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS). Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của bạn đọc.
|
Người dân thực hiện thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Bạn đọc Kien Trung nêu ý kiến:“Trốn thuế trong giao dịch chuyển nhượng BĐS lâu nay đã làm thất thoát một lượng lớn cho thu ngân sách nhà nước. Do đó, ngành thuế cùng các cơ quan liên quan cần có các giải pháp để quản lý, giám sát việc kê khai giá chuyển nhượng BĐS, tránh trốn thuế”.
“Đồng ý chuyện giám sát chặt để tránh thất thu thuế nhưng vẫn cần dựa trên quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là cần có một cơ chế rõ ràng, minh bạch trong việc giám sát giá chuyển nhượng để tránh tiêu cực, sách nhiễu người dân” - là ý kiến của bạn van linh.
Cũng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 11-4 có bài viết “Nhận BHXH một lần, người lao động sẽ chịu thiệt thòi”. Bài viết thông tin về việc thời gian gần đây, số lượng người lao động đến liên hệ các cơ quan BHXH tại TP.HCM để nhận BHXH một lần tăng.
Ý kiến bạn đọc Tin Tran: “Một phần cũng vì hiện nay kinh tế khó khăn nên người lao động mới đi nhận tiền BHXH. Một phần nữa, đa số là người dân lao động, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên chưa nhìn được cái lợi, cái hại sau này phải đối diện”.
“Qua thông tin này, người lao động cần nhìn nhận lại về thiệt, hơn khi rút BHXH một lần. Xét về lâu dài, nếu về già mà được hưởng lương hằng tháng thì cũng là lựa chọn đáng để cân nhắc” - là ý kiến của bạn đọc Ngoc Tran.