Theo hãng tin Sputnik News (Nga), mới tháng trước, một tin tặc đã dễ dàng xâm nhập và hệ thống máy tính của chiếc F-35 thử nghiệm và khiến cho chiếc này “rơi tự do”. Còn vào tháng 7-2014, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã bắt giữ một tin tặc người Trung Quốc vì tội danh đánh cắp thông tin thiết kế của dự án F-35.
Trong một bản báo cáo của Văn phòng Chỉ đạo, Kiểm định và Đánh giá thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, vô số những trục trặc kỹ thuật trong một chuyến bay thử đã được các quan chức Lầu Năm Góc nêu ra:
Chẳng hạn, các quan chức đánh giá rằng phần mềm kiểm soát năng lực tác chiến của F-35 (Block 2B) gặp vấn đề trong định hướng và độ chính xác, làm chậm khả năng tương thích với vũ khí và các chuyến bay thử, làm trì hoãn toàn bộ dự án.
Dự án F-35 của Mỹ liên tục bị trì hoãn vì các lỗi kỹ thuật
Người ta còn phải thiết kế mới hệ thống bình nhiên liệu của F-35. Các chuyên gia phát hiện rằng, với bình nhiên liệu cũ, khí đốt có rủi ro sẽ tiếp xúc với không khí và gây cháy nổ. Thế nhưng, bình nhiên liệu mới lại không tương thích với thiết kế của máy bay và buộc dự án phải điều chỉnh luôn cả phần cứng lẫn phần mềm của F-35.
Dự án F-35 của Mỹ đang ngày một trở nên "đắt đỏ"
Thậm chí, F-35 còn có thể mất khả năng chống sét đánh nếu như bị ép bay quá 12 tiếng đồng hồ liên tục. Trong khi đó, hệ thống kiểm soát bay của F-35 cũng chưa được hoàn thiện, gây khó khăn cho phi công khi tác chiến trong các trường hợp bay khắc nghiệt.
Mũ bảo hiểm của phi công cũng gặp một số lỗi kỹ thuật và không thể cung cấp đầy đủ các thông tin quan trọng khi phi công điều khiển máy bay thực hiện các chiến thuật tấn công hay phòng thủ căn bản, đặc biệt là trong các tình huống đối đầu với tên lửa của đối phương.
Trong khi đó, các bộ phận khác của F-35 như lốp bánh, ghế thoát hiểm, màn hình điện tử trong buồn lái, bộ dụng cụ cứu hộ, bộ thở khí oxy, … cũng đòi hỏi công tác bảo trì thường xuyên và tốn kém.