Thử nghiệm lâm sàng ba giai đoạn là yêu cầu bắt buộc của sản xuất thuốc, vaccine. Trước yêu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19, điều kiện này được giảm một chút. Nhưng câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào để chứng minh tính an toàn, hiệu quả bảo vệ của vaccine thử nghiệm?
Từ phòng thí nghiệm ra “thực địa”
Trong các mục tiêu của thử nghiệm lâm sàng, chỉ tiêu về tính sinh miễn dịch của vaccine về cơ bản có thể xác định bằng hàng loạt thí nghiệm ở những phòng thí nghiệm đạt chuẩn.
Còn chỉ tiêu về an toàn và hiệu quả bảo vệ, theo chuẩn mực chung, vẫn phải bằng dữ liệu thống kê về phản ứng sau tiêm, khả năng chống chịu của tình nguyện viên trước dịch bệnh. Quy mô thử nghiệm càng lớn, số lượng người tham gia càng nhiều, sắc tộc, vùng miền, giới tính, độ tuổi, tình trạng bệnh lý nền… càng đa dạng thì dữ liệu thu thập được càng tin cậy.
Với vaccine phòng COVID-19, trong hệ thống dữ liệu lâm sàng này, một dữ liệu quan trọng nhất là số người trong khi tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 thì nhiễm virus SARS-CoV-2. Kèm theo là thời điểm nhiễm, tình trạng nhiễm, có chuyển thành bệnh hay không, mức độ nghiêm trọng của bệnh thế nào…
Số lượng ca nhiễm, ca bệnh ấy lại phải đủ lớn để phân bổ cho các nhóm tình nguyện viên với tính chất đa dạng vùng miền, sắc tộc, giới tính, tuổi, bệnh nền. Có thế, khi giải mã các ca nhiễm, mắc bệnh ấy thuộc nhóm tiêm vaccine thử nghiệm hay giả dược thì mới so sánh, tính toán chính xác được hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Chính vì vậy, thử nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn 3 chính là đưa vaccine thử nghiệm ra “thực địa”. Thử nghiệm ấy cần nhiều thời gian mới thu đủ dữ liệu đánh giá an toàn, tính hiệu quả bảo vệ của sản phẩm thử nghiệm, đủ để xem xét chuyển sang thủ tục đăng ký lưu hành.
Tầm nhìn của Bộ Y tế
Đầu năm 2020, khi COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) bắt đầu trở thành đại dịch toàn cầu, Bộ Y tế đã sớm kêu gọi các nhà sản xuất trong nước xắn tay nghiên cứu vaccine.
Bộ Y tế cũng rà soát và thấy quy trình pháp lý cho phát triển vaccine thời điểm ấy dù rất hiện đại nhưng sẽ khó đáp ứng được yêu cầu khẩn cấp về phòng chống đại dịch.
Chính vì vậy, tháng 8-2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3695 hướng dẫn rút gọn nhiều quy trình, thủ tục pháp lý. Đây chính là tiền đề quan trọng để các nhà sản xuất nội địa như Nanogen - đến nay đã nhanh chóng bước vào giữa giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax, hay IVAC - chuẩn bị bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 sản phẩm Covivac.
Trong hướng dẫn này, khả năng khó hoàn tất sớm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã được tính đến.
Ở thời điểm xây dựng bản hướng dẫn, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước là rất tích cực. Số ca F0 được phát hiện rất ít nên khả năng “bắt ca bệnh” ở giai đoạn 3 được dự báo rất khó khăn.
Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao thậm chí đã tính toán phương án đề nghị các nước đang có dịch hợp tác thử nghiệm lâm sàng vaccine nội. Tuy nhiên, tính khả thi không cao và thủ tục pháp lý cho việc hợp tác quốc tế đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Lường trước khó khăn này, Quyết định 3695 mở ra một hướng tiếp cận thay thế: Trong trường hợp Việt Nam không có đủ số trường hợp mắc bệnh để thiết kế đánh giá hiệu lực của vaccine theo tiêu chí ca bệnh thì có thể thiết kế nghiên cứu bắc cầu, so sánh tính sinh miễn dịch của vaccine nghiên cứu với vaccine khác, đã có kết quả nghiên cứu về hiệu lực bảo vệ, được quốc gia có hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) theo chuẩn WHO công nhận.
Như vậy, có thể sử dụng kết quả xét nghiệm về tính sinh miễn dịch để ngoại suy ra hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một lần thăm và làm việc với Công ty Nanogen - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 Nanocovax tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: VGP
Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành ngày 10-8 đã hình thành cơ chế, chính sách đặc thù cho việc phát triển vaccine phòng COVID-19 nội. Theo đó, chỉ cần kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (khác Luật Dược là phải hoàn tất cả ba giai đoạn), vaccine nghiên cứu đã có thể làm hồ sơ xin cấp đăng ký lưu hành có điều kiện… |
Cơ hội nào cho Nano Covax?
Nano Covax đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine nội phòng COVID-19, với công nghệ được mô tả là protein tái tổ hợp.
Đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia và Bộ Y tế phê duyệt theo hướng tách thành pha 3a - với 1.000 tình nguyện viên đầu tiên và pha 3b - với 12.000 tình nguyện viên tiếp theo. Tách riêng pha 3a chính là dự liệu tình huống buộc phải vận dụng cơ chế so sánh bắc cầu thì có dữ liệu để tiến hành, thay vì đợi kết quả chung cuộc của cả giai đoạn 3.
Vấn đề là tại thời điểm hiện tại, khi Nanogen đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu giữa kỳ giai đoạn 3, mong kịp trình Bộ Y tế trước ngày 15-8 tới để xin cấp phép khẩn cấp thì trên thế giới chưa có vaccine phát triển bằng công nghệ tương tự, được cơ quan y tế sở tại đăng ký lưu hành, kể cả theo thủ tục cấp phép khẩn cấp.
Chưa kể, các nhà sản xuất ngoại, trong cuộc cạnh tranh gay gắt khó mà chia sẻ đầy đủ dữ liệu lâm sàng để Nanogen tiến hành phép so sánh bắc cầu.
Vậy nên ngay cả khi Nghị quyết 86 của Chính phủ cho phép sử dụng dữ liệu về tính sinh miễn dịch có được từ kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để ngoại suy về hiệu quả bảo vệ của vaccine thì việc thiết kế nghiên cứu bắc cầu cho Nanocovax vẫn là thách thức rất lớn.
Thách thức ấy không chỉ là với nhà phát triển Nanogen, mà với cả hội đồng đạo đức cũng như Bộ Y tế - nơi chịu trách nhiệm cao nhất về việc cấp phép cho vaccine và có lẽ cũng đang khát khao một Việt Nam tự chủ vaccine, trong bối cảnh nguồn vaccine ngoại có thể còn khan hiếm nhiều tháng nữa.
Việt Nam đã đáp ứng quy chuẩn của WHO Hệ thống pháp luật về vaccine những năm qua được hoàn thiện đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 39 nước có hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và là một trong 44 nước có thể sản xuất được vaccine. Theo quy chuẩn quốc tế đã được Quốc hội luật hóa này, nhà phát triển sau khi đã hoàn tất những nghiên cứu cơ bản về công nghệ sản xuất, cho ra sản phẩm ở quy mô phòng thí nghiệm, nếu muốn sử dụng cho người thì bắt buộc phải xin phép Bộ Y tế để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1, mục đích chính là đánh giá sơ bộ về tính an toàn của vaccine thử nghiệm. Đây là thử nghiệm đầu tiên trên người, có độ rủi ro cao, nên chỉ chọn số lượng tối thiểu người tham gia. Giai đoạn 2, đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Thử nghiệm cần được tiến hành trên một cỡ mẫu lớn hơn, đủ dữ liệu để xác định liều tối ưu cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Giai đoạn 3, đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch và xác định hiệu quả bảo vệ của liều vaccine đã xác định ở giai đoạn 2. Pha này cần số lượng lớn tình nguyện viên tham gia mới thu thập đủ dữ liệu phân tích thống kê để đưa ra kết luận về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vaccine phục vụ cấp phép lưu hành. Như sản phẩm Nano Covax, quy mô thử nghiệm tổng giai đoạn 3 lên tới 13.000 người. Thủ tướng: Hy vọng tháng 9 có thể có vaccine nội Sáng 12-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc thứ năm về vấn đề phát triển vaccine nội. Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Y tế chủ động hoặc đề xuất chính sách ưu đãi cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Thủ tướng cho biết ông luôn sẵn sàng làm việc ngày đêm, sớm tối với các cơ quan liên quan, mong thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để Việt Nam sản xuất được vaccine sớm nhất có thể. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vấn đề chuyên môn, khoa học thì dứt khoát phải do các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đánh giá. Từ dữ liệu báo cáo mới nhất, Thủ tướng cho biết: “Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước”. |