Ngày 6-5, tàu USS Blue Ridge (LCC 19), soái hạm của Hạm đội 7 Mỹ, đã ghé Thượng Hải trong chuyến thăm thường xuyên trong mùa tuần tra năm 2015. Báo Stars and Stripes đưa tin theo hành trình, tàu USS Blue Ridge ghé Thượng Hải cùng Ấn Độ, Singapore và Philippines.
Tư lệnh Hạm đội 7 ở Thượng Hải
Thuyền trưởng Matt Paradise tuyên bố mục đích chuyến thăm nhằm học hỏi và mở rộng quan hệ với Trung Quốc và hải quân Trung Quốc, từ đó gia tăng hiểu biết và giảm căng thẳng. Hải quân hai nước sẽ tham gia thi đấu bóng rổ, trải nghiệm du lịch và thăm trường mù.
Phát biểu tại trung tâm tài chính Thượng Hải, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh Hạm đội 7, khẳng định ông không biết lý do vì sao Trung Quốc không cho tàu sân bay USS John C. Stennis ghé Hong Kong, tuy nhiên ông nhận xét đây chỉ là trở ngại nhỏ trong quan hệ giữa hai quân đội.
Trong khi đó, phát biểu tại Honolulu ngày 5-5 (giờ địa phương), Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, Giám đốc phụ trách chiến dịch ở Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, nhận định nguy cơ xảy ra sự cố ngoài ý muốn ở biển Đông là khá thấp.
Ông không lo hải quân chuyên nghiệp mà cho rằng “nguy cơ va chạm lớn nhất đến từ các tàu không vũ trang”. Các tàu đánh cá thường không có thiết bị thông tin liên lạc hiệu quả và các thuyền trưởng không có kinh nghiệm nên không bộc lộ rõ ý định làm gì để các tàu khác hiểu.
Ông nhấn mạnh: “Kinh nghiệm hàng hải tệ nhất của tôi là với các tàu cá”. Nhận xét về hải quân Trung Quốc, ông nói: “Chúng tôi đi đâu họ lại theo đó và họ rất chuyên nghiệp”.
Ông giải thích hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc vẫn thường tập luyện về tình huống tình cờ gặp nhau trên biển dựa theo hàng loạt quy trình quốc tế do lực lượng Thái Bình Dương soạn thảo. Ngoài ra hai nước cũng đã nhiều lần tiếp xúc hằng tháng, các tàu viếng thăm hay trò chuyện không chính thức nhằm hỗ trợ ngăn chặn sự cố xảy ra ngoài ý muốn.
Hải quân Trung Quốc đón soái hạm Mỹ USS Blue Ridge ghé Thượng Hải. Ảnh: AFP-AP
Theo báo International Business Times, Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery từ chối nhận xét về cách thức Mỹ có thể đáp trả nếu Trung Quốc lại tiếp tục nạo vét xây đảo nhân tạo.
Ông khẳng định bảy thực thể Trung Quốc bồi đắp xây đảo nhân tạo có hình thức giống căn cứ quân sự hơn là đảo dân sự vì có vũng tàu lớn, đường băng, nhà cao 7-12 tầng…
Báo nhận định khả năng xảy ra sự cố giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ gia tăng trong những tuần tới sau khi Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) công bố phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Trung Quốc quyết bác phán quyết trọng tài
Trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực sắp công bố phán quyết, Trung Quốc đã gia tăng các phát biểu phản đối phán quyết này.
Ngày 6-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố một số nước đang cố gây sức ép với Trung Quốc để Trung Quốc từ bỏ “chủ quyền” trên biển Đông và điều này là ảo tưởng. Người phát ngôn tuyên bố phán quyết là bất hợp pháp và bằng bất cứ giá nào Trung Quốc cũng không chấp nhận hay công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực.
Tuyên bố này được đưa ra khi báo chí hỏi Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực phản bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Trong khi đó tại Philippines, trả lời báo chí bên lề ngày châu Âu quốc gia tại Makati tối 5-5, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cho biết chính phủ Trung Quốc theo dõi sát sao các quan điểm chính trị được các ứng cử viên tổng thống Philippines đưa ra trong tranh cử, đặc biệt là cách thức giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Theo báo Inquirer, Đại sứ Triệu Giám Hoa nói ông hy vọng tân tổng thống Philippines sẽ sẵn sàng ngồi lại đàm phán song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông trách cứ Philippines áp dụng biện pháp trọng tài chứ không đàm phán song phương trong khi Trung Quốc đã mở các kênh đàm phán song phương và lẽ ra tranh chấp biển Đông đã được giải quyết.
Như một lời chiêu dụ, ông cho rằng sau bầu cử tổng thống ở Philippines ngày 9-5, Trung Quốc và Philippines “cần mở ra một chương mới trong quan hệ song phương tập trung vào các lợi ích chung như hợp tác kinh tế, tài chính, thương mại, du lịch và trao đổi nhân lực”.
Báo Manila Bulletin ghi nhận các ngư dân Philippines mong muốn đất nước bầu một tổng thống mạnh mẽ để giải quyết vấn đề tàu tuần tra Trung Quốc cản trở ngư dân đánh bắt trong khu vực bãi cạn Scarborough. Do không thể đánh bắt cá, họ phải chuyển sang trồng trọt hay chạy xe ôm. Thuyền trưởng tàu cá Biany Mula nói: “Chúng tôi mong muốn một tổng thống cứng rắn hơn để Trung Quốc phải rời vùng biển Philippines. Khu vực này không phải của họ”. |