Ấn Độ và Mỹ đã đồng ý trên nguyên tắc thỏa thuận về chia sẻ hậu cần quân sự.
Ngày 12-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo như trên tại cuộc họp báo chung tại New Delhi sau hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar.
Ông Ashton Carter giải thích với thỏa thuận về chia sẻ hậu cần quân sự, quân đội hai nước sẽ phối hợp tốt hơn, Mỹ cũng dễ dàng bán nhiên liệu hay cung cấp phụ tùng thay thế cho Ấn Độ.
Ông cho biết hai nước hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thứ hai về tăng cường chia sẻ thông tin thương mại hàng hải nhằm củng cố an ninh hàng hải.
Khi được hỏi vậy quân đội Mỹ có đến đồn trú ở Ấn Độ hay không, ông bác bỏ điều này.
Báo Times of India đưa tin tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar phát biểu ghi nhận Ấn Độ tập trận chung với Mỹ nhiều hơn bất kỳ nước nào. Ông thông báo dự thảo thỏa thuận về chia sẻ hậu cần quân sự sẽ được chuẩn bị xong trong vòng một tháng.
Mỹ đã đề nghị Ấn Độ ký kết thỏa thuận hỗ trợ hậu cần để hai quân đội có thể sử dụng chung các căn cứ hải, lục, không quân của nhau nhằm mục đích tiếp tế, sửa chữa và dưỡng quân. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa sẵn sàng để ký kết.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter. Ảnh: AP
Theo Reuters, Ấn Độ nghĩ rằng thỏa thuận hỗ trợ hậu cần là động thái liên minh với Mỹ và như thế Ấn Độ sẽ không còn giữ thế độc lập riêng.
Dù vậy, trước hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông và động thái Trung Quốc bắt tay với Pakistan, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ ý định xích lại gần hơn với Mỹ.
Ấn Độ mong muốn khai thác công nghệ Mỹ để tự sản xuất vũ khí nhằm xây dựng công nghiệp quốc phòng vững mạnh và giảm chi tiêu quốc phòng.
Hôm trước đó, trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin tại bang Goa của Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đánh giá chuyến thăm Ấn Độ của ông là một bước ngoặt trong quan hệ an ninh quan trọng giữa Mỹ và Ấn Độ.
Ông nói Mỹ và Ấn Độ sẽ trở thành đối tác chiến lược trong thế kỷ này do mối quan hệ sâu sắc, nhiều điểm tương đồng về lợi ích và dân tộc.
Để khẳng định tầm quan trọng trong quan hệ Mỹ-Ấn, ông nhận xét Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar là “một trong các bộ trưởng quốc phòng quan trọng nhất trên thế giới mà tôi có thể hợp tác trong mọi tình huống”.
Ông khẳng định Mỹ tôn trọng các lợi ích chiến lược độc lập của Ấn Độ: “Chúng tôi biết Ấn Độ còn hợp tác với các nước khác nhưng chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của Ấn Độ với Mỹ”.
Báo Stars and Stripes (Mỹ) đưa tin ngày 11-4 tại bang Goa, ông Ashton Carter cùng Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar đến thăm tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.
Sau đó, ông tiếp đón ông Manohar Parrikar lên tàu USS Blue Ridge, soái hạm của hạm đội 7 Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định chuyến thăm Ấn Độ và Philippines của ông Ashton Carter là một phần trong mục tiêu tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Báo Stars and Stripes dẫn lời một quan chức quốc phòng Ấn Độ nói với báo chí hôm 11-4 rằng Ấn Độ dự kiến tăng hạm đội từ 130 tàu lên 166 tàu, bao gồm thêm tàu sân bay thứ ba. Mục đích Ấn Độ muốn phát triển hạm đội để mở rộng vai trò từ một nước chú trọng chống hải tặc và các mối đe dọa gần bờ sang một nước bắt đầu chú ý đến Trung Quốc. Quan chức này tiết lộ năm ngoái, khi Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông, Ấn Độ đã phản ứng bằng cách triển khai tàu đến biển Đông sáu lần. ________________________________ Ấn Độ có thể giữ vai trò bảo đảm về an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và điều đó phù hợp với chính sách của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ASHTON CARTER Quan hệ ngày càng gia tăng giữa hai quân đội là đặc điểm quan trọng trong quan hệ song phương Ấn-Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ MANOHAR PARRIKAR |