Theo dự kiến, Ấn Độ sẽ đấu thầu công khai nhằm xây thêm một chiếc tàu sân bay thứ tư, với tiêu chuẩn là tàu sân bay hạt nhân hạng nặng, chiều dài 300 m, rộng 70 m và có sức chứa đến 65.000 tấn. Theo RT, Nga hiện là ứng viên hàng đầu trong cuộc tìm kiếm nhà thầu với mẫu thiết kế siêu mẫu hạm mới nhất của mình.
Theo tờ báo Izvestia của Nga, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Kralovsky (KRSC), là nơi “chào hàng” dự án 23000E Shtorm (Storm) cho Hải quân Ấn Độ.
Thiết kế siêu mẫu hạm mới của Nga sẽ khác xa so với lớp tàu tiền nhiệm là INS Vikrant, trong đó có thể có một động cơ hạt nhân, hệ thống máy phóng hỗ trợ cất cánh và hãm đà hạ cánh (CATOBAR) và các hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS).
Tàu đô đốc Kuznetsov được xây dựng từ thời Liên Xô hiện là hàng không mẫu hạm duy nhất còn hoạt động của Nga.
Hồi hè năm 2015, Nga, Pháp, Anh và Mỹ đã nhận được yêu cầu "đề xuất kỹ thuật và chi phí" về thiết kế của tàu sân bay mới của Ấn Độ. Theo các quan chức quốc phòng Ấn Độ, hai ứng cử viên hàng đầu cho việc này là Nga và Pháp vì Ấn Độ vốn đang sử dụng máy bay mua từ hai nước này.
Tờ Izvestia tự tin tuyên bố rằng Nga hiện đang là ứng viên hàng đầu: "Các thiết kế của Nga trùng khớp với ý định Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn thực hiện ở Ấn Độ", theo một nhà phân tích Hải quân Nga trích dẫn trong báo. "Hiện nay, chỉ có Moscow đã sẵn sàng để chia sẻ với New Delhi về vũ khí và các hệ thống khác cũng như các công nghệ trong sản xuất và phát triển".
Dự án 23000E được Nga tiết lộ lần đầu vào giữa năm 2015. Theo đại diện của KRSC trả lời phỏng vấn tuần báo quân sự HIS, dự án tàu sân bay đa năng 23000E “được thiết kế để hoạt động ở vùng biển khơi, khi tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển, đảm bảo cho hải quân hoạt động ổn định, bảo vệ chiến dịch đổ bộ và phòng không".
Theo đó, siêu mẫu hạm Nga sẽ có sức chứa 100.000 tấn, dài 330 m, rộng 40 m và mức mớn nước 11 m. Tàu có thể sử dụng động cơ đẩy hạt nhân hoặc động cơ thông thường, có thể duy trì hoạt động trên biển trong 120 ngày và tốc độ di chuyển đến 30 hải lý (khoảng 55 km/giờ). Đoàn thủy thủ có thể lên tới 5.000 người và mang được 80-90 máy bay ở boong trên.
Tuy vậy, vẫn phải xem xét khả năng “siêu mẫu hạm” Nga có thể trở thành hiện thực đúng như thiết kế trên bàn giấy. Nga chưa có lịch sử đóng tàu sân bay, đồng thời tất cả hãng đóng tàu của Liên Xô đều được đặt tại Ukraine. Ngành công nghiệp đóng tàu của Nga bị đánh giá là thiếu khả năng xây dựng một siêu mẫu hạm và thậm chí còn không có một ụ tàu đủ lớn cho một chiến hạm lớp Shtorm.
Tuy vậy cũng phải kể đến việc Nga từng đại tu và hiện đại hóa một tàu sân bay-tuần dương lớp Kiev cho Hải quân Ấn Độ trong giai đoạn 2004-2013 và đã tích lũy được nhiều hiểu biết quý báu về kỹ thuật đóng tàu. Do đó, ngay cả khi dự án 23000E Shtorm không thể thực hiện được, Nga vẫn sẽ là một ứng viên hạng nặng cho việc xây dựng các tàu sân bay sau này của Ấn Độ.