Sự tàn nhẫn của đám đông

Một lần cà phê chuyện phiếm, một người quen của tôi nói vui rằng thời này là thời của những vụ đánh hội đồng dã man, của những trận “ném đá” không thương tiếc. Tưởng như đùa nhưng ngẫm ra lại là thật. Một sự thật đến chua chát.

Đủ dạng ném đá

Gần đây, báo chí phản ánh nhiều đến những vụ đánh hội đồng theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Nghĩa hẹp thì nào là chuyện cả làng hùa vào đánh cẩu tặc cho đến chết, nào là chuyện một nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị một nhóm bạn đánh đến mức hoảng loạn tinh thần chỉ vì không nghe lệnh lớp trưởng.

Nghĩa rộng (người Việt hiện nay thường dùng từ “đánh” hoặc “ném đá” để chỉ những hành vi phê phán, đặc biệt là phê phán trên Internet) thì là chuyện rất nhiều người đã thi nhau miệt thị không thương tiếc GS Nguyễn Quang Ngọc chỉ vì một thông tin bịa đặt, chưa được kiểm chứng. Hay vừa mới đây thôi là chuyện một nữ sinh hoảng loạn đến mức phải tìm đến cái chết khi bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng xã hội và ngay liền sau đó bị hàng ngàn lượt bình luận chửi rủa, mạt sát với những lời lẽ vô cùng cay độc. Và còn bao nhiêu chuyện khác nữa khiến ta không khỏi xót xa, ngao ngán.

Tâm lý hùa theo đám đông

Để giải thích hiện tượng này có lẽ phải xuất phát từ hiệu ứng đám đông, từ tâm lý a dua, hùa theo của đám đông. Đám đông thật mạnh mẽ, phi thường; sự hợp sức của đám đông có thể tạo nên những chiến công rung chuyển, những kỳ tích vĩ đại. Nhưng đám đông cũng thật dã man, tàn nhẫn khi mê muội chạy theo những điều không trong sáng.

Khi hiệu ứng đám đông xuất hiện, lý trí dường như bị đè bẹp trước cảm xúc. Người ta thường không tỉnh táo suy nghĩ, phán xét để nhận ra bản chất sự việc mà chỉ dựa vào cảm xúc nảy sinh từ vẻ bề ngoài của hiện tượng để hùa theo bất chấp mọi thứ. Trong đám đông hung bạo ấy, không phải ai cũng là người xấu. Có những người bình thường hiền như đất nhưng lạ thay khi hòa trong cảm xúc đám đông, họ lại không thể kiểm soát được hành vi của mình, cứ bị cuốn theo một cách mù quáng. Đến khi trấn tĩnh lại thì chính họ cũng không thể hiểu nổi tại sao mình lại có thể làm những điều ngớ ngẩn như vậy. Cho nên sẽ thật nguy hiểm nếu đám đông bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động lao vào những mục đích đen tối. Sự bình yên của cuộc sống sẽ bị đe dọa nếu những vụ “ném đá”, những vụ đánh hội đồng như đã nói trên kia ngày càng nhiều lên.

Phải có trái tim nhân ái

Thực tế đặt ra một yêu cầu bức thiết là phải làm sao để hạn chế đám đông hung hăng, tàn bạo như những kẻ cuồng tín ấy. Làm sao để con người có thể chủ động kiểm soát được hành vi của mình mà không bị chi phối bởi tâm lý a dua, hùa theo?

Tôi nghĩ rằng điểm mấu chốt là nền giáo dục của chúng ta ngay từ những bậc học nhỏ nhất trong nhà trường phải giáo dục được cho con người phẩm chất văn minh thể hiện qua một trái tim nhân ái, nhân văn; một cách ứng xử tỉnh táo, sáng suốt, nhã nhặn và lịch thiệp. Một người văn minh sẽ không bao giờ hùa vào đám đông để “ném đá” người khác mà không cần biết lý do. Một người văn minh sẽ không bao giờ mạt sát người khác khi chưa rõ ngọn ngành sự việc. Hành động của một người văn minh sẽ luôn được kiểm soát bởi sự sáng suốt của trí tuệ và sự nhân hậu của tình người. Và khi cách hành xử văn minh của từng con người được phổ quát thành dân tộc tính thì tôi tin rằng những đám đông dữ tợn kia sẽ không còn nữa.

Thật cẩn trọng trước khi bình phẩm

Tôi đọc ở trên mạng thấy có một bạn đọc chia sẻ như thế này về việc thiếu trách nhiệm của những cư dân mạng: “Có lẽ đã đến lúc cả xã hội phải mạnh mẽ lên án thói vô cảm. Cần thiết nên lập nên các khu tưởng niệm những nạn nhân của thói vô cảm để cảnh báo và giáo dục đạo đức cho toàn xã hội. Để không bao giờ còn những nạn nhân oan ức, tức tưởi như thế. Để xã hội Việt Nam trở thành một xã hội văn minh, nhân ái”. Tôi rất tán đồng với ý kiến này, tuy nhiên tôi chưa tin tưởng lắm là chúng ta có thể lập được khu tưởng niệm các nạn nhân. Nếu làm được thì chắc chắn nó sẽ tác động rất lớn đến nhận thức của từng người.

Cái trước mắt mà tôi nghĩ chúng ta có thể làm được là mỗi người hãy nhìn lại mình, hãy suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi chia sẻ, trước khi bình phẩm, lên án một việc nào đó mà chúng ta chưa biết rõ. Điều này không có gì là khó cả. Hãy tự đặt câu hỏi nếu mình bình luận, nếu mình lên án, nếu mình chia sẻ thì vụ việc sẽ như thế nào, những nhân vật được đề cập sẽ ra sao… Có một độ lùi như thế tôi tin sẽ hạn chế được rất nhiều hậu quả. Qua đó chúng ta cũng dần đẩy lùi được sự vô cảm chết chóc (có khi cũng rất là vô tình) đang ngự trị ở đâu đó trong mỗi người chúng ta.

NGUYỄN THANH TÙNG (ĐH Sư phạm TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm