Giữa tháng 5-2015, nhiều người đồng loạt đưa lên Facebook một ý kiến về Hoàng Sa - Trường Sa được cho là của một giáo sư công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Chí Phèo thời đại số
Vấn đề là ý kiến “để ngàn năm sau mới đòi lại Hoàng Sa” rất dễ khiến vị giáo sư này bị cư dân mạng “ném đá” không thương tiếc. Gần như mọi người lập tức chia sẻ và bình luận ác ý mà quên kiểm tra xem nguồn gốc ý kiến đó ở đâu ra. Cơn sốt chỉ tạm lắng xuống khi một số Facebooker có uy tín lên tiếng đề nghị mọi người nên thận trọng mỗi lúc chia sẻ những phát biểu không rõ nguồn và cần ngỏ lời xin lỗi vị giáo sư bị oan.
Vị giáo sư kia chỉ là nạn nhân mới nhất trong danh sách những người “có tóc” (ở đây hiểu theo nghĩa có tên tuổi hoặc danh tiếng) bị “ném đá” thường xuyên trên mạng xã hội vì chuyện “tai bay vạ gió”. Những nạn nhân đứng đầu bảng thường là nghệ sĩ, hoa hậu, thậm chí kể cả bộ trưởng. Gần đây, hoa hậu Kỳ Duyên và ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng đã chia sẻ bức xúc rằng họ làm gì cũng bị “ném đá”, hoạt động từ thiện thì bị gọi là “đạo đức giả”, chia sẻ ảnh mặc đẹp thì lại bị mang tiếng “phô trương”.
Đã có người ví von sự xuất hiện của những “thánh chửi” trên Facebook là “Chí Phèo thời đại số” vì họ viết status nào cũng nhằm để chỉ trích hoặc chê bai ai đó. Tất nhiên, có những trường hợp rất đáng để chỉ trích nhưng không ít cư dân mạng có tâm lý “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” với cả những phát ngôn không rõ nguồn.
Máu bài trừ kẻ khác
Đáng lưu ý, cơn bão “ném đá” những người nổi tiếng, chính khách đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình trạng này khiến một số người của công chúng đành chọn cách rút lui khỏi mạng xã hội để tránh bị tổn thương. Đầu tháng 5-2015, đạo diễn Joss Whedon (được nhiều khán giả Việt Nam biết đến với phim Avengers) vừa quyết định xóa tài khoản cá nhân trên Twitter sau khi bộ phim mới nhất của ông bị cư dân mạng chỉ trích nặng nề. Hàng loạt người hâm mộ đã bày tỏ sự bất bình về nội dung phim và còn chỉ trích đạo diễn phân biệt giới tính khi khắc họa hình tượng nhân vật góa phụ đen do diễn viên Scarlett Johansson thủ vai. Trước khi xóa tài khoản, ông đã đăng dòng tweet: “Cảm ơn tất cả những con người tốt bụng và hài hước đã làm nóng bầu không khí nơi đây”.
Xét ở một góc độ nào đó, Internet và mạng xã hội giống như một thị trường mở. Khi tìm kiếm tin tức xã hội trên Google, ở một website nào đó, bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin có giá trị và hữu ích. Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng bạn sẽ tìm thấy blog hoặc trang Facebook của một số cá nhân chuyên dựng chuyện, “thêm mắm dặm muối” nhằm thu hút sự chú ý. Cũng có thể một số người sở hữu “máu bài trừ” kẻ khác nên thích nhấn nút like, comment, chia sẻ những thông điệp mang tính chất “ném đá” một ai đó. Nạn nhân càng nổi tiếng hoặc có địa vị trong xã hội thì càng dễ tạo hiệu ứng đám đông.
Vấn đề càng trở nên nguy hiểm hơn khi những vụ “ném đá” được truyền đi một cách có chủ đích nhờ chiêu thức làm lu mờ lý trí công dân mạng. Bạn thật sự đâu muốn nợ ai đó một lời xin lỗi khi chọn tiếp tay cho những thông điệp tiêu cực trên mạng xã hội, phải không?
BENJAMIN NGÔ